Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận tải hành khách giáp Tết: Nơi hết vé, nơi không có khách

Nguyễn Đức| 29/01/2011 07:13

(HNM) - Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, vận tải hành khách lại "nóng". Dù các cơ quan chức năng, các hãng vận tải đã chuẩn bị phương án tăng chuyến, nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại trong những ngày cao điểm, đặc biệt là giáp Tết. Vậy nhưng vẫn có những loại hình vận tải đìu hiu, không có khách…

* Vé tàu chiều TP Hồ Chí Minh - Hà Nội luôn trong tình trạng căng thẳng
* Các đường bay nội địa tăng thêm 100.000 chỗ nhưng không còn vé

(HNM) - Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, vận tải hành khách lại "nóng". Dù các cơ quan chức năng, các hãng vận tải đã chuẩn bị phương án tăng chuyến, nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại trong những ngày cao điểm, đặc biệt là giáp Tết. Vậy nhưng vẫn có những loại hình vận tải đìu hiu, không có khách…

Dù lượng xe khách được bố trí tăng đáng kể, song hành khách dường như không mặn mà với loại hình vận tải này. Trong ảnh: Bến xe Giáp Bát. Ảnh: Linh Tâm


Hàng không, đường sắt đều quá tải
Năm nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có kế hoạch tăng chuyến sớm và đến nay đã tăng 4 đợt trên tất cả các đường bay nội địa với số lượng ghế tăng thêm hơn 100.000 chỗ. Cũng như mọi năm, những đường bay quan trọng như TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội/Đà Nẵng luôn được ưu tiên. Riêng đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội được tăng 307 chuyến, thêm khoảng 63.000 ghế, tăng 41% so với thường lệ; đường bay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tăng 129 chuyến, thêm 26.820 ghế, tăng 35% so với thường lệ… Ngoài ra, để giúp hành khách mua vé thuận lợi hơn, Vietnam Airlines đã phân bổ và bán vé Tết thành 4 đợt kéo dài từ trung tuần tháng 12-2010 đến 17-1-2011, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của hành khách, nhất là hành khách có nhu cầu mua vé thông thường. Ngày 28-1, truy cập trang web của Vietnam Airlines để tìm chỗ từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, hầu như đã hết chỗ cho đến tận 2-2. Trên đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, hành khách chỉ có thể mua được vé hạng thương gia đi trong các ngày từ 29-1 đến 2-2 với mức giá 3,35 triệu đồng/vé. Trên đường bay TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng tình hình còn căng thẳng hơn khi từ ngày 29-1 đến ngày 2-2, hệ thống đã báo hết vé, có tiền cũng… chịu. Điều này đã được đại diện của Vietnam Airlines xác nhận. Theo Vietnam Airlines, không chỉ chiều ra, trên các đường bay trục từ Hà Nội/Đà Nẵng đi TP Hồ Chí Minh giai đoạn sau Tết từ mồng 6 đến ngày 13-2 cũng chỉ còn hạng ghế thương gia.

Siết chặt quản lý tại các bến xe

(HNM) - Đó là yêu cầu của đoàn kiểm tra liên ngành tại buổi kiểm tra, làm việc với một số bến xe ở Hà Nội. Theo Công ty Quản lý bến xe, lượng khách đến các bến hiện bình thường, nhưng dự báo sẽ tăng mạnh vào ngày 27, 28, 29 âm lịch. Công ty đã xây dựng kế hoạch bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt trên những tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An… Về tình hình cò xe khách, Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng phòng CSTT (Công an thành phố) cho biết, có thể xử lý, bắt giữ, khép vào tội gây rối trật tự công cộng; nếu tái phạm lần thứ 4 thì có cơ sở lập hồ sơ đưa đi cải tạo.

Với ngành đường sắt, tình hình cũng chưa được cải thiện nhiều so với những  năm trước, do cơ sở hạ tầng, đầu máy toa   xe có hạn. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Phạm Công Trịnh cho biết, trên tuyến Thống Nhất, năng lực tối đa là chạy 13 đôi tàu. Chuyện khó khăn về vé tàu chiều TP Hồ Chí Minh ra Bắc đã căng thẳng từ 1-2 tháng nay. Để hạn chế tình trạng cò vé, ngành đường sắt bắt buộc hành khách phải có giấy tờ tùy thân hợp lệ mới được mua vé và ghi số chứng minh thư nhân dân sau vé. Khi lên tàu phải xuất trình chứng minh thư nhân dân, nếu khớp mới được đi. Vậy mà, ngay trong những ngày hoạt động cao điểm đầu tiên, đã có hàng trăm hành khách không được lên tàu vì vé không hợp lệ, sai tên phải đổi lại… Ở chiều ngược lại, tình hình vẫn yên ắng. Theo Phó Trưởng ga Hà Nội Phùng Thị Lý Hà, bên cạnh tổ chức bán vé cho hành khách đi sau Tết, Ga tập trung giữ gìn an ninh, trật tự để đón lượng khách về tăng mạnh. Về vé chiều đi sau Tết, hiện vẫn còn nhiều vé đi suốt, nhưng trong những "ngày đẹp" như mồng 6, 8, 9 và 10 Tết Tân Mão thì chỉ còn ghế phụ và giường tiện nghi trên chuyến tàu chạy muộn (23h30).

Vận tải đường bộ đìu hiu
Khác hẳn với không khí hết sức căng thẳng của các ngành hàng không và đường sắt, vận tải đường bộ không có nhiều biến động. Nhu cầu đi lại của hành khách sử dụng loại hình vận tải này nhìn chung vẫn được đáp ứng. Tuy nhiên, điều dư luận hết sức lo ngại với vận tải đường bộ dịp cuối năm là tình trạng "nhồi nhét", cũng như phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Để ngăn chặn hiện tượng này, không thể chỉ trông vào ý thức của các nhà xe, tài xế mà các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Tại Hà Nội, các bến xe hiện vẫn trong cảnh đìu hiu. Một trong những nguyên nhân khiến các bến vắng khách là do năm nay nghỉ Tết sớm và kéo dài nên hành khách về quê rải rác, thay vì tập trung vào một số ngày giáp Tết như những năm trước. Dẫu vậy, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội vẫn sẵn sàng phương án tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách khi cần thiết. Dự kiến, lượng khách về các bến sẽ tăng cao hơn trong ngày 27, 28 Tết. Dù lượng khách chưa nhiều, nhưng mới đây một số doanh nghiệp đã có báo cáo tăng giá vé, tập trung vào tuyến đi phía Nam, như Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh…Về vấn đề này, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định và niêm yết giá công khai để hành khách biết, lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận tải hành khách giáp Tết: Nơi hết vé, nơi không có khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.