Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vận tải hàng hóa bị tê liệt

Nguyên Hoàng| 10/07/2010 09:24

(HNM) - Tình hình ứ đọng hàng hóa tại các cảng đang

Hàng hóa ứ đọng tại cảng.


Cảng hàng hóa tê liệt
Kể từ ngày 1-7, khi Nghị định 34/CP có hiệu lực thì gần 70% tài xế xe đầu kéo, sơ-mi-rơ-moóc đã không dám tiếp tục chạy xe. Hậu quả là chỉ trong vòng một tuần, hàng hóa đã ứ đọng nghiêm trọng ở các cảng container. Cảng Cát Lái (quận 2) - là cảng chuyên vận chuyển hàng container xuất nhập khẩu lớn nhất TP, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng của khu vực và chiếm trên 45% tổng sản lượng hàng container cả nước - tình hình đang diễn biến ngày một xấu đi. Số liệu báo cáo (tính đến ngày 6-7) lượng hàng tồn tại cảng đã lên đến 30.800 Teus. Ông Ngô Minh Thuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng  lo ngại, từ ngày 1-7 đến nay, sản lượng chung của cảng giảm 13,3%, trong đó đáng quan ngại là hàng về cảng Cát Lái để xuất đi đã giảm đến 17,7%; còn hàng nhập khẩu về cảng hiện đã vượt quá công suất chứa khoảng 10%!  Do đó, nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải phóng hàng kịp thời, e rằng chỉ trong tuần tới cảng Cát Lái sẽ bị tê liệt, khi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội không chỉ của riêng TP Hồ Chí Minh mà ảnh hưởng lớn đến cả nước.

Tại Cảng rau quả, tình hình cũng không khả quan hơn, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Hành chính cho biết, lượng xe vào lấy hàng giảm khoảng 30%, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ xảy ra chuyện ứ đọng hàng, đặc biệt là các mặt hàng xuất nhập khẩu, chưa kể hàng chục DN vận tải có nguy cơ vỡ hợp đồng. Theo ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc Doanh nghiệp vận tải Công Thành, chỉ có 15% trong số 135 tài xế của đơn vị có bằng lái xe FC. Lường trước được hệ quả này, nhiều tháng trước đó, ông đã bỏ chi phí và yêu cầu đi thi bổ sung bằng FC nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên có rất ít tài xế đi thi.

Nước đến chân… chưa nhảy
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cho phép lùi việc xử phạt đối với những trường hợp vi phạm điều khiển ô tô đầu kéo sơ-mi-rơ-moóc chưa có giấy phép lái xe hạng FC vì việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp chuyển đổi bằng lái từ hạng C, D, E lên hạng FC lại không thể đáp ứng do thời gian quá gấp. Tuy nhiên Bộ GTVT chỉ cho phép gia hạn việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng FC đến hết ngày 31-12-2010 chứ không hề đả động gì đến chuyện gia hạn xử phạt! Chính văn bản "nước đôi" này đã dẫn đến sự hiểu lầm của giới vận tải, dẫn đến họ chủ quan và tin rằng CSGT sẽ không xử phạt. Tuy nhiên phía CSGT khẳng định rằng, vẫn sẽ xử phạt lái xe không có bằng lái FC vì vẫn chưa nhận được một văn bản chỉ đạo nào cao hơn Nghị định 34/CP.

Khách quan nhìn nhận thì việc chậm trễ trong việc tổ chức đào tạo, sát hạch cấp bằng lái hạng FC trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng có trách nhiệm của Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải hàng hóa, các doanh nghiệp và cả lái xe chưa thật sự quan tâm và chưa triển khai quyết liệt các quy định, vì thực tế Bộ GTVT đã có gia hạn cho việc đào tạo, sát hạch bằng lái FC hơn 1 năm nay, nhưng rất ít các đơn vị quan tâm. Đến khi thời gian cận kề thì mới trở tay không kịp.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải ngày 7-7 đã thống nhất kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Công an sớm tham mưu đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian xử phạt đối với lái xe ô tô đầu kéo không có bằng lái FC đến ngày 31-12-2010 để khẩn cấp giải quyết cho hàng hóa lưu thông qua cảng.

Thực tế nhu cầu vận chuyển hàng container rất lớn, trung bình mỗi ngày có từ 10.000 đến 12.000 lượt phương tiện ra vào cảng Cát Lái. Nếu không có biện pháp cấp thời thì hậu quả sẽ ngày càng nặng nề. Sự khan hiếm tài xế hạng FC như hiện nay rất dễ dẫn đến tình trạng lái xe bị ép tăng ca, tăng giờ để giải phóng hàng hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tài xế và nguy cơ gia tăng khả năng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận tải hàng hóa bị tê liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.