Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn phòng đăng ký đất đai hoạt động theo mô hình một cấp: Thiếu thốn đủ bề

Thúy Nga| 18/05/2015 06:27

(HNM) - Quá trình hoạt động tại các chi nhánh cấp huyện gặp không ít khó khăn, nhất là về sự phối hợp trong bàn giao tiếp, nhận hồ sơ, tài liệu và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Sau hơn một tháng hoạt động, mọi giao dịch liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Thạch Thất vẫn diễn ra bình thường. Bà Nguyễn Thị Chỉnh, Giám đốc chi nhánh cho biết, khi nhận quyết định thay đổi mô hình mới, chi nhánh vẫn giữ nguyên hiện trạng từ cơ sở vật chất đến con người. Mỗi ngày, bộ phận tiếp nhận hàng chục hồ sơ liên quan đến các giao dịch biến động, giải chấp, thế chấp, các thủ tục về nghĩa vụ tài chính… Theo bà Chỉnh, trước đây, hệ thống văn phòng đăng ký đất đai được thành lập tại hai cấp: Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội do UBND thành phố quyết định thành lập (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các quận, huyện, thị xã do UBND cấp huyện thành lập (trực thuộc phòng tài nguyên và môi trường). Tuy nhiên, quá trình vận hành hai cấp có nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong quản lý cơ sở dữ liệu, nhiều khi tìm kiếm mất thời gian… Nay, thống nhất về một đầu mối, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nhằm hỗ trợ tích cực cho quản lý nhà nước về đất đai. Hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, qua đó, kịp thời phát hiện những sai sót, chồng chéo… Không chỉ có vậy, giảm được nhiều thủ tục hành chính, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi trong dịch vụ công, một trong những khâu đột phá trong cải cách thủ tục hành chính…

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn quận Hà Đông đã có nhiều đột phá trong thời gian qua.


Với sự quan tâm của chính quyền địa phương nhằm mục đích mọi quyền lợi, hỗ trợ tốt nhất cho người dân đến giao dịch, Chi nhánh huyện Thạch Thất cơ bản hoạt động ổn định. Tuy nhiên, khảo sát ở một số địa phương khác cho thấy, hoạt động của một số chi nhánh gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là hệ thống công nghệ thông tin thiếu thốn, lạc hậu, việc bàn giao hồ sơ, tài liệu lúng túng. Đơn cử như Chi nhánh huyện Quốc Oai chưa bố trí đủ chỗ ngồi làm việc cho cán bộ mà phải chờ cải tạo đầu tư thêm phòng làm việc.

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc chi nhánh cho biết, thời gian đầu đi vào hoạt động không tránh được sự bỡ ngỡ, nhất là trang thiết bị phục vụ cho công việc chưa đầy đủ. Để bảo đảm hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai, thành phố đã bố trí khoản kinh phí khoảng 39 tỷ đồng đầu tư cho hoàn thiện công nghệ thông tin. Trước mắt, trong năm 2015, mua sắm máy tính, máy in... cho bộ phận "một cửa" của hệ thống văn phòng nhưng không hiểu lý do gì chi nhánh chưa được phân bổ kinh phí để thực hiện? Thực tế, sau khi thành lập, tổng số cán bộ trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội khoảng 600 người, trong đó có 200 biên chế, còn lại là hợp đồng. Toàn bộ lương và các khoản chi phí khác cho lao động hợp đồng đều trông vào nguồn thu dịch vụ, lệ phí của Văn phòng. Đáng nói, nguồn thu này hạn chế do phí thu còn thấp, đây là gánh nặng để duy trì bộ máy nên không có kinh phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin…

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các địa phương khẩn trương cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính bao gồm cả bản đồ giải thửa 299, bản trích đo địa chính, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hồ sơ đăng ký biến động nhà đất và tài liệu đất đai có liên quan dạng giấy và dạng số cho Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho nhân dân. Trong thời gian chưa bàn giao xong hồ sơ tài liệu liên quan đến đất đai, UBND cấp huyện chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường cung cấp thông tin kịp thời cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để giải quyết hồ sơ thủ tục cho nhân dân, song do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai thực hiện rất chậm, ảnh hưởng lớn đến giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai… Một vấn đề nữa cần quan tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chủ trương chính sách mới của Nhà nước.

Trên thực tế, ở một số địa phương, người dân thiếu thông tin về việc thành lập văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đai một cấp. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, xã Quang Tiến (Sóc Sơn), đất đai là lĩnh vực "nhạy cảm", mỗi khi có sự thay đổi về chủ trương, chính sách cần thông tin kịp thời để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn phòng đăng ký đất đai hoạt động theo mô hình một cấp: Thiếu thốn đủ bề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.