Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn phân biệt “con nuôi”, “con đẻ”

Đà Đông| 05/06/2012 06:47

Hiện nay, Hà Nội có 371 trường ngoài công lập, tăng 81 trường so với năm 2009, tỷ lệ học sinh chiếm 10,1%. Thành phố cũng đã có 28 bệnh viện tư nhân đang hoạt động với 928 giường bệnh.


Bà Lê Tuệ Minh, đại diện Công ty cổ phần tập đoàn SSG là nhà đầu tư của dự án Trường TH và THCS chất lượng cao Mùa Xuân xây dựng tại phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho biết: Dự án bắt đầu triển khai thủ tục đầu tư từ năm 2008 lúc Nghị định 69 của Chính phủ có hiệu lực nhưng UBND TP Hà Nội chưa ban hành các quy định hướng dẫn. Do vậy, quá trình thực hiện, nhà đầu tư gần như chưa được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 69, nhất là chính sách về GPMB. Hay như để được hưởng chính sách tạm miễn tiền sử dụng đất, nhà đầu tư phải gửi đi 3 văn bản và làm việc với 5 cơ quan quản lý nhà nước, 5 tháng sau mới nhận được kết quả.

Đại diện chủ đầu tư dự án Bệnh viện An Sinh, ông Đặng Văn Minh cho biết, dự án Bệnh viện An Sinh đã GPMB xong hơn 25.000 mét vuông từ cuối năm 2011, tại xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng. Nguyên nhân là do có sự thay đổi quy hoạch vùng Từ Liêm và dự án vẫn phải nằm chờ Sở Quy hoạch kiến trúc có văn bản trả lời.

Theo Nghị quyết 06, thành phố sẽ tạo quỹ đất sạch phục vụ dự án XHH trước khi tiến hành giao đất hoặc cho thuê đất, trường hợp chủ đầu tư đã ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án XHH thì sẽ được ngân sách hoàn trả song trên thực tế chưa có nhà đầu tư nào được hưởng chính sách ưu đãi này. Thay vì được giao quỹ đất sạch, chủ đầu tư phải tự đi tìm đất rồi chạy lòng vòng tới các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục. Mặt khác, UBND TP vẫn chưa công bố công khai danh mục dự án XHH kêu gọi đầu tư, giới thiệu địa điểm đã được GPMB hoặc trong kế hoạch GPMB nên muốn được việc của mình, các doanh nghiệp, chủ đầu tư đành "tự thân vận động". Việc đa số các chủ đầu tư dự án XHH chưa được hưởng chính sách ưu đãi cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến mức phí cao, làm cho nhiều cơ sở không khai thác hết công suất, trong khi hầu hết cơ sở công lập của TP đang trong tình trạng quá tải.

Không chỉ gặp khó khi tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện các dự án XHH giáo dục, y tế trên địa bàn Hà Nội cho biết, vẫn có sự phân biệt giữa hệ thống công lập và ngoài công lập. Tự nhận là "con nuôi" trong hệ thống y tế, ông Võ Văn Bản, đại diện Bệnh viện Việt-Pháp dẫn ra một ví dụ "đợt nắng nóng đầu hè vừa qua, bệnh viện chúng tôi bị cắt nước trong khi các bệnh viện nhà nước ngay liền kề vẫn được cấp đầy đủ". Còn trong lĩnh vực GD-ĐT, khi các giáo viên công lập được miễn phí tham gia các khóa nâng cao nghiệp vụ thì tại khu vực ngoài công lập, nếu muốn tham gia họ phải đóng tiền. Trên đây chỉ là hai ví dụ nhỏ trong rất nhiều sự phân biệt giữa "con nuôi, con đẻ" khi thực hiện XHH.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến XHH chưa đạt hiệu quả cao là TP chưa có cơ chế đặc thù cho các địa bàn kém hấp dẫn về XHH nên có sự khác biệt lớn giữa các địa phương. Điều này dẫn tới hiện tượng nhiều huyện xa như Mỹ Đức sẵn sàng "trải thảm đỏ" vẫn không được các nhà đầu tư quan tâm còn tại các quận, huyện ven đô, dự án XHH được xếp hàng để cân nhắc, chọn lựa. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay, sự phối hợp của các cấp, các ngành đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông cũng là lý do khiến công tác XHH của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng.

XHH giáo dục, y tế là một chủ trương lớn nếu được triển khai tốt sẽ giúp huy động được nguồn lực của toàn xã hội vào công tác chăm sức khỏe toàn dân và sự nghiệp trồng người. Việc công khai, minh bạch thông tin về XHH cùng những chính sách ưu đãi theo từng khu vực, đẩy mạnh tuyên truyền tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiệm cận và được hưởng các chính sách ưu đãi của thành phố sẽ là những việc làm cần thiết để công tác này thực sự phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn phân biệt “con nuôi”, “con đẻ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.