Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn “nóng” chuyện dạy thêm, học thêm

Thống Nhất| 22/03/2013 06:02

(HNM) - Sau đợt giám sát kéo dài từ ngày 10 đến 20-3, ngày 21-3, Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT.

Cần có quy định, mức thu cụ thể về việc dạy và học thêm phù hợp với học sinh. Ảnh: Khánh Nguyên


Chưa kiểm soát chặt chẽ việc DTHT ngoài nhà trường?

Kết quả giám sát thực tế tại 4 quận, huyện và 29 trường học đại diện cho các cấp học cho thấy, về cơ bản, các trường thực hiện đúng quy định về DTHT. Thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT, các trường tiểu học chỉ tổ chức trông giữ, quản lý HS sau giờ học với mô hình câu lạc bộ đàn, hát, vẽ, võ thuật… theo nhu cầu của phụ huynh. Những trường THCS có dạy học 2 buổi/ngày cũng không được cấp phép để tổ chức DTHT. Bức xúc của phụ huynh và dư luận xã hội chủ yếu xuất phát từ những hành vi tiêu cực tại các lớp DTHT bên ngoài nhà trường.

Theo thống kê của huyện Đan Phượng, từ đầu năm đến nay, toàn huyện không có HS nào học thêm bên ngoài nhà trường; cũng không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký xin cấp phép DTHT ngoài nhà trường. Song, lãnh đạo địa phương này cũng thừa nhận trên địa bàn hiện vẫn có một số giáo viên tổ chức "kèm" HS theo nhóm tại gia đình.

Quận Ba Đình có 9/11 trường THCS được cấp phép DTHT, tổng số GV được cấp phép DTHT là 159, theo thống kê của quận này thì có 1.200 HS học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, khi được hỏi về tính xác thực của số liệu nói trên, Phòng GD-ĐT quận thừa nhận đó không phải là con số chính xác, do HS đi học hằng tháng có nhiều biến động. Thực trạng ấy đặt ra cho những người có trách nhiệm câu hỏi về công tác phối hợp quản lý, kiểm soát việc tổ chức các lớp DTHT ngoài nhà trường hiện nay có bám sát thực tế hay không?

Kết quả giám sát về mô hình trông giữ HS vào buổi thứ 2 trong ngày bên ngoài nhà trường ở một số nơi như các Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) và Bế Văn Đàn (Đống Đa) cho thấy mô hình này không phải là phổ biến trong số gần 700 trường tiểu học ở Hà Nội. Đây đều là những trường đang phải học chung cấp hoặc thiếu phòng học, song vẫn phải đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Theo khảo sát, có khoảng 60% số phụ huynh ở cả 3 trường có nhu cầu gửi con buổi thứ 2 và thực tế, trong khoảng thời gian này, giáo viên làm nhiệm vụ trông trẻ chứ không phải dạy trẻ học thêm. Với mô hình này, Phòng GD-ĐT có trách nhiệm cấp phép, giám sát việc thực thi. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc để có hướng dẫn phù hợp, đúng quy định của Bộ GD-ĐT, vì đây là lớp học ngoài nhà trường, dễ bị lạm dụng để DTHT nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Có nên áp "trần" cho việc thu phí học thêm?

Thực tế giám sát tại các trường trên địa bàn thành phố cho thấy, mức thu phí học thêm hiện nay đang được thực hiện mỗi nơi một kiểu, ngay giữa các trường cùng cấp học cũng có sự khác biệt, có nơi thu 10 nghìn đồng/tháng/môn, song cũng có nơi HS phải đóng hơn 100 nghìn đồng/tháng/môn học.

Để kiểm soát việc thu phí học thêm, Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng dự thảo về quản lý DTHT, trình UBND TP phê duyệt để cụ thể hóa các quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về DTHT, trong đó đặc biệt chú ý phân cấp rõ ràng để bảo đảm hiệu quả quản lý. Theo đó, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm cấp phép và thanh tra, kiểm tra đối với các trường hợp tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình THPT. Việc cấp phép và thanh tra, kiểm tra đối với các lớp DTHT thuộc chương trình THCS là trách nhiệm của phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã.

Trước một số ý kiến đặt vấn đề, rằng tại sao không đưa quy định quản lý của thành phố về mức trần thu phí học thêm vào dự thảo để hạn chế tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho rằng DTHT là việc tự nguyện, rất khó áp khung một cách cứng nhắc. Mức thu này nên theo hình thức thỏa thuận giữa người dạy và người học. Giáo viên thực sự có uy tín thì sẽ được nhiều phụ huynh, HS tin tưởng, muốn theo học và sẵn sàng đóng phí cao. Điều kiện kinh tế-xã hội ở các địa bàn của Hà Nội còn có sự chênh lệch, nếu cào bằng sẽ rất khó khả thi, vấn đề quan trọng là làm sao để mức phí phù hợp với người dân. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Sở GD-ĐT đã làm việc với Sở Tài chính và Sở Tư pháp, hai đơn vị này đều khẳng định không có văn bản pháp lý nào để đưa ra mức trần thu phí học thêm. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT chỉ yêu cầu các địa phương quy định "việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm", chứ không yêu cầu quy định về mức thu cụ thể.

Tuy nhiên, cho đến cuối buổi làm việc, đây vẫn là vấn đề mở, với nhiều ý kiến trái ngược.

Lần đầu tiên, dự thảo về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT công bố, có đề cập đến việc xử phạt với những sai phạm về DTHT. Các hành vi dưới đây sẽ bị phạt tiền:
- Cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc HS học thêm: phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
- Tổ chức dạy thêm tại địa điểm không bảo đảm quy định; quản lý thu, chi tiền DTHT không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ: phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
- Dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng: phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
- Cấp giấy phép DTHT không đúng thẩm quyền: phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn “nóng” chuyện dạy thêm, học thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.