Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn nghệ sĩ Thủ đô: Độc lập sáng tạo, giao lưu cởi mở

Hải Giang - Đặng Thủy| 16/07/2013 06:12

(HNM) - Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, văn nghệ sĩ của hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài đã về chung dưới một mái nhà Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật (VHNT) Hà Nội. Độc lập sáng tạo, giao lưu cởi mở, đó là tinh thần chung của những người góp phần kiến tạo diện mạo văn học nghệ thuật của một Hà Nội mở rộng.

Phóng viên Báo Hànộimới ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của một số văn nghệ sĩ đại diện cho các Hội VHNT Hà Nội.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội):

Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (2008), Hội Nhà văn Hà Nội được đón 50 hội viên thuộc Chi hội Nhà văn Hà Tây, đưa tổng số hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội mở rộng là hơn 500 người.

Phải nói rằng, việc mở rộng địa giới hành chính tạo ra không gian mới với nhà văn Thủ đô, nhưng cũng có thể mang lại cảm xúc bâng khuâng, tâm trạng đối với một số nhà văn của Hà Tây cũ. Hiểu điều đó, hoạt động điều hành của BCH Hội từ khóa X và đến nay là khóa XI luôn hướng tới việc tập hợp, thu hút lực lượng văn nghệ sĩ của Thủ đô mở rộng, đặc biệt là các vùng văn hóa thuộc Hà Tây cũ. Việc kết nạp hội viên, tổ chức trại sáng tác luôn chú trọng tính hài hòa về số lượng hội viên thuộc các khu vực. Hoạt động dã ngoại, đi thực tế được mở rộng so với trước đây. Về chuyên môn, sáng tạo là công việc độc lập, riêng tư của văn nghệ sĩ và Hội luôn khuyến khích các nhà văn phát huy thế mạnh từng người. Việc chấm, chọn giải căn cứ vào chất lượng tác phẩm và hoàn toàn không có sự ưu tiên nào.

Qua 5 năm hoạt động, anh em hội viên thể hiện rõ không khí hòa nhập cởi mở. Nhiều hội viên có đóng góp tích cực cho các hoạt động của Hội. Nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển vừa có bài viết xúc động "Tôi là nhà văn Hà Nội" in trên tạp chí Tản Viên Sơn. Mảng thơ, thế mạnh của Hà Tây (cũ) tiếp tục được phát huy. "Tuyển tập thơ Dương Kiều Minh" được xuất bản kịp thời, trước khi nhà thơ Dương Kiều Minh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tây cũ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội) ra đi.

Sắp tới, Hội Nhà văn Hà Nội có rất nhiều hoạt động như tổ chức trại sáng tác chuyên đề, hội nghị nhà văn trẻ, thành lập trung tâm bồi dưỡng viết văn…

Nhà quay phim Đan Thiết Thụ (Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội):

Hội Điện ảnh Hà Nội đang thực hiện bộ phim tài liệu "Hà Nội - 5 năm hợp nhất nhìn lại" do Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo về nội dung.

Phải nói rằng, Hà Nội và Hà Tây chưa về với nhau thì vùng văn hóa xứ Đoài đã là niềm cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội. Khi các Hội VHNT của Hà Nội sáp nhập với các chi hội của Hội VHNT Hà Tây, riêng Hội Điện ảnh có thiệt thòi là lực lượng văn nghệ sĩ Hà Tây cũ chưa có Chi hội Điện ảnh. Tuy nhiên, các hội viên của Hội Điện ảnh Hà Nội thấy tự hào vì từ nay, những vùng địa linh nhân kiệt xứ Đoài đã có thể hiện diện một cách thường xuyên hơn trên những trang kịch bản, những thước phim với tầm vóc văn hóa mang tên Hà Nội. Vừa rồi, một hội viên mới là tác giả sân khấu Đỗ Cung đã giúp Hội tổ chức đoàn về Phú Xuyên tham quan Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày do một thương binh - cựu tù Phú Quốc thành lập. Qua đây, anh em có thêm chất liệu, cảm hứng để viết kịch bản phim tài liệu.

Cho đến nay, lực lượng văn nghệ sĩ Thủ đô đã lên tới hơn 3.000 người, rất cần chuyển đổi mô hình Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thành Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội để các hội chuyên ngành có thể chủ động phát huy khả năng sáng tạo hơn nữa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An (Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội):

5 năm qua, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã dần ổn định về tổ chức, ngày càng phát triển mạnh mẽ, quy củ hơn. Dù số lượng hội viên của Hội Nhiếp ảnh Hà Tây trước đây không nhiều (23 trên tổng số 297 hội viên), tuy nhiên, với sự nỗ lực rất lớn, các nghệ sĩ xứ Đoài đã phát huy năng lực, sở trường trong các cuộc triển lãm, từng bước bắt nhịp vào sự phát triển chung. Có thể nhắc đến những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Đức Căn, Thái Ngọc Linh, Trần Văn Thắng, Trần Thịnh, Nguyễn Đăng Vinh, Quý Sa, Nguyễn Quốc Ân và đáng nói nhất là CLB Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh - một CLB nhiếp ảnh truyền thống, một làng nghề nhiếp ảnh truyền thống của xứ Đoài xưa. Với sự bảo trợ của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, CLB đã tổ chức triển lãm, tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm làng nghề nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá. Tháng 6-2012, BCH Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá nhằm tôn vinh và phát triển truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Họa sĩ Phạm Kim Bình (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội):

Đội ngũ họa sĩ ngày càng đông đảo và phát triển mạnh mẽ, đó là thành quả rõ rệt sau khi các họa sĩ Hà Nội và Hà Tây về chung một nhà. Ngay sau khi sáp nhập, các hội viên đã tích cực tham gia sáng tác phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tham gia triển lãm toàn quốc, triển lãm khu vực. Triển lãm thường niên của Hội được tổ chức vào ngày 10-10 hằng năm đều có sự hiện diện của đông đảo hội viên.

Vùng đất xứ Đoài có phong cảnh đẹp, nhiều làng nghề truyền thống nên việc mở rộng không gian sáng tác tạo thuận lợi lớn cho các hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Những chuyến đi thực tế tại vùng đất này đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều họa sĩ. Chúng tôi mong mỏi thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn để mỹ thuật Thủ đô phát huy được tiềm năng sau khi mở rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn nghệ sĩ Thủ đô: Độc lập sáng tạo, giao lưu cởi mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.