(HNM) - Giảm thiểu chi phí sinh hoạt, làm tăng ca, làm thêm, làm thêm trái nghề… là thực trạng của người lao động (NLĐ) tại các nhà máy, khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn Hà Nội khi cuộc "rượt đuổi" giữa lương và giá ngày càng căng thẳng.
Khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng cuộc sống của công nhân, lao động ngày càng giảm sút, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng số người nghèo trong xã hội.
Với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tháng chị Đỗ Thị Lan (KCN Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) phải chi tiêu tới gần 1 triệu đồng cho các khoản BHXH, BHYT, phí công đoàn; các loại tiền nhà, điện, điện thoại, gửi xe, tiền nước, ăn. Vì vậy, Lan cho rằng, cứ chọn loại thực phẩm nào rẻ nhất thì mua, thịt chỉ mua 1-2 lạng để nấu cho có chất đạm, lấy sức làm việc tiếp. Cá, tôm phải đến cuối tháng, cộng sổ, dư dả mới dám mua, nếu không thì chỉ nửa tháng đã phải treo niêu.
Nhiều người lao động phải làm thêm giờ để có thu nhập trang trải cuộc sống. |
Làm nghề tay trái, có lẽ đây là chiêu thượng sách nhất để chống chọi với tình trạng giá cả leo thang hiện nay. Không bao giờ chị Lê Thu Hương, công nhân KCN vừa và nhỏ Từ Liêm lại nghĩ mình có thể đi chạy xe ôm. Thế nhưng khi mọi thứ chi tiêu từ mớ rau, lạng thịt đến tiền thuê trọ, tiền điện, nước… tăng một cách chóng mặt, chị Hương cũng như nhiều công nhân khác buộc phải tìm cách tăng thu nhập. Sau nhiều ngày rửa bát cho hàng ăn buổi tối, có một gia đình bên cạnh xóm trọ đã ngỏ ý nhờ chị đưa, đón con đi học với tiền công mỗi tháng 500.000 đồng. Chị Hương nhận lời vì cũng đủ tiền trang trải phòng trọ, điện, nước. Hoặc như vợ chồng anh Lê Văn Thuận, trọ tại thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, là công nhân KCN vừa và nhỏ Từ Liêm đã kiêm thêm nghề đi chợ thuê, mua thực phẩm cho các hộ dân...
Để trợ giúp khó khăn cho công nhân, Bộ LĐ,TB&XH đang soạn thảo đề án để trình Chính phủ, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xác định những nhu cầu thực sự của công nhân để có sự hỗ trợ trúng và đúng nhất. Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm cho biết, theo đề án, trong tháng nếu công nhân làm việc không nghỉ, không bị kỷ luật sẽ được nhận 100.000 đồng tiền chuyên cần. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ lâu dài và bền vững thì khó có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Nhiều cán bộ công đoàn cho rằng, công nhân không chỉ cần hỗ trợ về mức sống, mà còn nhiều vấn đề như nhà ở, nhà trẻ, cung cấp hàng thiết yếu giá rẻ cho họ… Muốn vậy, cần nghiên cứu xem cơ cấu chi tiêu trong đồng lương của công nhân là bao nhiêu để tính xem họ đang phải chi bao nhiêu phần trăm cho các nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở, y tế, giáo dục cho con cái. Nếu tổ chức kênh bán hàng tốt, ví dụ đưa rau từ ruộng thẳng đến tay công nhân, tiết giảm tối đa các khâu trung gian thì họ sẽ được mua rau với giá rẻ hơn. Những việc hỗ trợ trực tiếp cho công nhân như vậy thật sự thiết thực với họ.
Hơn 60% công nhân khu công nghiệp sống tạm bợ, đó là số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Tại một số địa phương có nhiều KCN như TP Hà Nội, có từ 63,2 - 67,7% CNLĐ đang làm việc tại các KCN đóng trên địa bàn phải chấp nhận thuê trọ tạm bợ, hầu hết phòng trọ rất chật hẹp (2-3m2/người), không bảo đảm điều kiện tối thiểu về vệ sinh, môi trường. Còn theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cũng có tới 51,6% trong số 1,6 triệu lao động trực tiếp tại hơn 170 KCN đang hoạt động phải tự thuê nhà trọ tư nhân với chất lượng sống rất kém. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những cuộc khảo sát thực sự để đưa ra những chính sách hợp lý, bảo đảm đời sống cho công nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.