(HNM) - Theo số liệu thống kê, hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.
Quy mô làm giả ngày càng lớn
Theo đánh giá của BCĐ 389 TP Hà Nội, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). Hàng giả, hàng nhái xuất hiện quy mô ngày càng lớn, đa dạng về chủng loại từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp, trong đó có một số lượng đáng kể được sản xuất ở nước ngoài đưa vào Việt Nam. Phổ biến nhất là tình trạng làm giả các sản phẩm như mỹ phẩm, đồng hồ, rượu, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị vệ sinh… của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Để tránh sự kiểm tra gắt gao, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công thành phẩm chưa hoàn chỉnh, sau đó đặt gia công ở nơi khác để lắp ráp, đóng gói.
Đội Quản lý thị trường số 4 bắt giữ hàng giả, hàng nhập lậu. Ảnh: Trần Việt |
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc nghiêm trọng, có giá trị lớn. Ngày 29-1 vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Sơn (168 Nguyễn Công Thái, Hoàng Mai, Hà Nội), bắt quả tang cơ sở sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất phân bón. Công nhân của công ty này đang nghiền lại nguyên liệu từ 10 bao nguyên liệu loại 25kg đã hết hạn sử dụng với ngày sản xuất tháng 3-2008, hạn sử dụng tháng
3-2014. Trên bao bì cơ quan kiểm tra thấy có ghi nhãn xuất xứ từ Đức.
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội cơ động chống hàng giả, hàng nhái (Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) cho biết, sai phạm của DN này rất nghiêm trọng vì với nguyên liệu hết hạn sử dụng dù người nông dân có bón bao nhiêu phân thì hiệu quả vẫn bằng không, gây thiệt hại lớn. Theo tham vấn của chuyên gia, mỗi gói phân bón của cơ sở này có thể bón cho 1 sào Bắc bộ, vậy diện tích để sử dụng số phân bón giả là rất lớn. Vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
"Bắt cóc, bỏ đĩa"?
Công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, công việc này chủ yếu diễn ra ở khâu lưu thông, trong khi việc xử lý tận gốc từ khâu sản xuất còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái không giảm là do thu nhập của người tiêu dùng còn thấp, chênh lệch giữa giá hàng thật và hàng giả quá lớn. Do siêu lợi nhuận nên một bộ phận nhà SXKD đã bất chấp các quy định của pháp luật để SXKD hàng giả với công nghệ ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Trong khi đó, nhiều DN trong nước lại thờ ơ với việc chống hàng giả do phần đông DN có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên không đủ sức chống đỡ.
Về phía các cơ quan chức năng thì số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý ngày càng tăng, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận của hoạt động này mang lại quá lớn trong khi lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng; kinh phí hoạt động ít, nhất là kinh phí dành cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc giám định hàng giả lại cần có sự tham gia của nhiều tổ chức, trong khi trình độ chuyên môn, máy móc, kỹ thuật còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến thời hiệu xử lý vụ việc.
Năm 2014, các đơn vị thành viên BCĐ 389 TP Hà Nội đã kiểm tra 43.144 vụ, xử lý 20.902 vụ (tăng 4.301 vụ so với năm 2013), đã khởi tố hình sự 121 vụ đối với 154 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 3.618,2 tỷ đồng (tăng 1.560 tỷ đồng). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.