Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn nạn dai dẳng

Thế Phương| 17/08/2012 06:54

(HNM) - 1. Các cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu cốc thủy tinh có xuất xứ nước ngoài bày bán trên thị trường với hàm lượng chì vượt

Thế nhưng các sản phẩm này lại không nằm trong danh mục kiểm tra của Nhà nước về chất lượng nên cơ quan quản lý thị trường không thể ra văn bản thu hồi hay xử lý trách nhiệm đối với người kinh doanh. Mọi việc chỉ dừng lại ở khuyến cáo tác hại… mà khuyến cáo thì không có hiệu lực pháp lý nên những chiếc cốc thủy tinh gây độc này vẫn bày bán tràn lan, người tiêu dùng vẫn mua, để rồi vô tình tự đầu độc chính mình.

2. Khoan nói đến hàng tấn nội tạng lợn nhập khẩu qua biên giới, được "giặt tẩy" sạch sẽ rồi chuyển vào các nhà hàng cháo lòng tiết canh nhan nhản khắp phố phường và luôn đầy ắp thực khách! Chuyện nhiều cơ sở chế biến mỡ bẩn chuyên thu gom tại các chợ, lò giết mổ về làm tóp mỡ, mỡ lỏng bán cho các quán ăn, nhà hàng đã được giới truyền thông đề cập từ rất lâu. Thế nhưng chuyện này vẫn diễn ra tại nhiều thành phố. Trong lượng mỡ khổng lồ tuồn vào các lò chế biến mỗi ngày, có bao nhiêu thứ mỡ đã bốc mùi, bao nhiêu mỡ của súc vật bị nhiễm bệnh hoặc chết dịch? Chắc chắn cơ quan chức năng không biết, và nếu có biết cũng chỉ biết vậy mà thôi. Không quản được thì làm sao có thể truy nguyên chính xác. Còn người dân, không phải ai cũng có điều kiện để tránh những thứ thực phẩm hủy hoại con người dần mòn ấy. Nếu muốn tránh, thật sự với nhiều người cũng không biết tránh thế nào.

3. Mới đây nhất, sau khi dư luận có thông tin về việc một số cơ sở sử dụng hóa chất để làm giá đỗ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã kiểm tra 7/33 cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả, hóa chất để làm nên thứ giá đỗ bụ bẫm trên thị trường do Công ty TNHH Phú Dung, ở Giang Tô, Trung Quốc sản xuất, gồm hoạt chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28, Việt Nam chưa nghiên cứu, khảo nghiệm nên có thể xem là không rõ nguồn gốc. Người đại diện của Cục Bảo vệ thực vật nhận định: Việc sử dụng các hoạt chất này để làm giá ăn là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, các chất này đều thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng thực vật, có độc tính thấp nên nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người có thể chưa nghiêm trọng… Có lẽ cũng vì chưa "nghiêm trọng" nên việc xử lý cũng chưa đủ sức răn đe.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây, cả nước có 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó đã có 229 người chết (trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người bị ngộ độc và 46 người chết). Đó là những con số rất đáng phải suy nghĩ dù chưa phản ánh đầy đủ hệ lụy từ vấn nạn "ô nhiễm thực phẩm" mà người dân đang phải hứng chịu. Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, quan hệ đến tính mạng, sức khỏe của con người - nguồn lực quyết định sự phát triển của đất nước, của dân tộc và sự trường tồn của nòi giống. Thế nhưng qua ba câu chuyện trên, có thể thấy vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn nạn dai dẳng của cả cộng đồng. Nếu cuộc chiến chống thực phẩm "bẩn" chỉ dừng lại ở những văn bản, các khuyến cáo… mà không có giải pháp quyết liệt, triệt để hơn thì nạn "ô nhiễm thực phẩm" sẽ tiếp tục bào mòn thể lực và trí tuệ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn dai dẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.