(HNM) - Hàng triệu tấn bùn đất, chất thải xây dựng (CTXD) đổ thẳng ra kênh mương, sông ngòi, bãi đất trống và tràn vào đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường gây hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống. Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đều biết nhưng vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bãi thải mọc khắp nơi
Tuyến đê tả Đáy đoạn qua xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa đang "oằn mình" với nạn đổ trộm bùn đất, chất thải vật liệu xây dựng. Hiện nay, hành lang phía hạ lưu đê Đáy đã xuất hiện nhiều đống chất thải lớn, gây cản trở giao thông, khi mưa xuống chất thải chảy vào đồng ruộng ảnh hưởng đến sản xuất. Theo người dân xã Vạn Thái, nạn đổ CTXD ở khu vực này diễn ra từ lâu, chính quyền địa phương cũng biết, nhưng ngăn chặn không dễ, bởi các đối tượng thường lén lút đổ trộm bùn đất, chất thải vào ban đêm. Cũng có trường hợp liều lĩnh đổ chất thải giữa ban ngày.
Bãi chứa chất thải, vật liệu xây dựng trên hành lang giao thông đường Lê Văn Lương.
Theo khảo sát của phóng viên Hànộimới, tình trạng đổ CTXD bừa bãi đang diễn ra ở khắp nơi, nhất là các tuyến đường giao thông đang thi công hoặc vừa đưa vào sử dụng như tuyến đường Vành đai 3, đường Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải... Tại tuyến đường Lê Văn Lương đoạn giáp ranh phường Vạn Phúc (Hà Đông) với huyện Từ Liêm có 2 bãi chứa chất thải, mỗi bãi rộng hàng trăm mét vuông. Bà Nguyễn Thị Loan, phường Vạn Phúc cho biết, nhiều đêm có gần chục xe tải nối đuôi nhau đổ trộm chất thải rồi bỏ chạy. Đất, đá, rác thải rơi vãi đầy đường, sau đó công nhân môi trường lại phải gò lưng thu dọn. Trên tuyến Đại lộ Thăng Long, tuyến đường 1A đoạn qua xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, hàng chục đống bùn đất cũ, mới nằm chềnh ềnh. Ông Nguyễn Đăng Duấn, Phó phòng Tài Nguyên và Môi trường Thường Tín cho biết, trên trục đường giao thông và đê hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Thường Tín nhiều phương tiện vận tải chở bùn đất từ nội thành ra đổ trộm, chính quyền địa phương rất khó phát hiện.
Ngoài xả thẳng CTXD ra các bãi đất trống, triền đê, hành lang đường giao thông... diện tích đất nông nghiệp của một số địa phương cũng bị bùn đất đổ tràn lấp. Tại khu vực đìa Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, cả cánh đồng hàng nghìn mét vuông ngập tràn bùn đất, chất thải đổ kín các thửa ruộng. Một người dân phường Đại Kim cho biết, mặt dù chính quyền địa phương đã xử lý, nhưng vẫn thấy nhiều vụ đổ trộm CTXD.
Thiếu quyết liệt trong xử lý
Tình trạng đổ trộm CTXD từ lâu đã là vấn nạn nhức nhối tại Hà Nội. Hàng đống bùn đất khổng lồ, chất thải xây dựng tràn lan trên các trục đường giao thông, sông ngòi, đồng ruộng lâu nay làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Một người dân thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa cho biết, người dân nơi đây đều có nỗi lo chung là ô nhiễm môi trường từ các đống bùn đất, chất thải. Nếu tiếp tục tồn tại tình trạng này trên hành lang đê tả Đáy, người dân rất dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp và ngoài da. GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường cho rằng, nếu bùn đất, chất thải cứ tiếp tục đổ ra môi trường, có nghĩa là chúng ta chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác. Bởi thực trạng ô nhiễm đã và đang biến các tuyến kênh, mương, ao ngòi tại Hà Nội trở thành ao tù, dòng sông chết, hầu như không còn sinh vật nào có thể sinh sống được.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn và xử lý bùn đất, chất thải vật liệu xây dựng của cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt, thậm chí thả nổi. Thực tế trên cho thấy, đến khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng mới có lực lượng xử lý. Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trách nhiệm chính ngăn chặn, xử lý tình trạng đổ trộm CTXD thuộc về chính quyền địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra, phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương để ngăn chặn.
Hiện tại, việc ngăn chặn, xử lý chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa", chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng đổ trộm CTXD lại tái diễn. Trong khi đó việc giải quyết nơi chứa CTXD hiện nay trên địa bàn thành phố hết sức khó khăn. Hiện chỉ có bãi rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn mới xử lý được bùn thải công nghiệp. Nếu không bố trí được mặt bằng tập kết CTXD thì các bãi đất trống, hành lang đường giao thông, công trình đê điều, thủy lợi... sẽ tràn đầy bùn đất và bị phá hoại nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.