Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn loay hoay “bài toán” chất lượng

Thi Thi| 01/05/2011 06:54

(HNM) - Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã

Xã hội hóa và công nghệ làm phim nội
Gần đây, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, TS Trần Đăng Tuấn khẳng định: "Phim truyền hình Việt Nam đã chiếm lĩnh được màn ảnh nhỏ và đây là xu hướng không thể đảo ngược". Doanh thu quảng cáo từ phim Việt cũng không hề thua kém phim ngoại trên sóng truyền hình, thậm chí rất cao, từ khoảng hơn 400 triệu đồng/tập trên VTV1 đến hơn 1 tỉ đồng/tập trên VTV3. Phim truyền hình Việt Nam đã tự bù đắp được chi phí và có điều kiện hỗ trợ các mảng phát sóng khác. Việc xã hội hóa để thu hút nhân lực và tài chính cho sản xuất phim truyền hình là yếu tố tác động không nhỏ đến sự thay đổi ấy.

Cảnh trong phim “Cô gái xấu xí”.


Nếu như trong xuất bản, trên bìa sách, bên cạnh logo NXB đã xuất hiện thêm logo đối tác thì phim truyền hình cũng vậy. Bên cạnh hai đơn vị sản xuất phim truyền hình hàng đầu là VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam) và TFS (Hãng Phim truyền hình TP Hồ Chí Minh), người xem cũng quen với việc trên generique (giới thiệu thành phần làm phim) có những cái tên của công ty truyền thông, những nhà đầu tư rất lạ với danh nghĩa là đối tác sản xuất phim truyền hình. Trong số cả trăm kênh truyền hình quảng bá ở Việt Nam hiện nay, ngoài những kênh tổng hợp có chiếu phim truyện còn có những kênh riêng về phim Việt. Nhà đầu tư phong phú, "đầu ra" cũng thoải mái, phim Việt vào giai đoạn nở rộ chưa từng có. Riêng năm 2010, VTV mang đến cho khán giả 44 bộ phim với khoảng 700 tập (khoảng 600 giờ phim).

Công bằng mà xét, xã hội hóa khiến phim dồi dào hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả hơn. Các nhà biên kịch "8X" xuất hiện đều với những bộ phim được sản xuất mau chóng, đạo diễn có thêm cơ hội đưa tác phẩm của mình lên màn ảnh, có thêm "đất" để thỏa mãn sự sáng tạo. Không còn cảnh kịch bản cất trong ngăn kéo, chuyện làm phim dễ dàng hơn rất nhiều… Nhà đài, mặc dù còn những trắc trở nhưng đã bước đầu hình thành công nghệ sản xuất phim truyền hình nội với sự tham gia của hai thành phần nhà nước và tư nhân. Công nghệ đó bắt đầu từ kịch bản, tuyển diễn viên cho tới hàng loạt khâu khác trong quá trình sản xuất.

Đài THVN cũng nhận định, "nhiệm vụ tạo đà cho sản xuất phim nội đủ về số lượng và chấp nhận được về chất lượng đã cơ bản được thực hiện xong. Giờ là lúc cần giải bài toán về đầu tư chiều sâu để tạo bước chuyển đột phá về chất lượng". Tuy nhiên, sự kiện VTV buộc phải dừng phát sóng "Anh chàng vượt thời gian" khiến người ta lưu ý tới một yếu tố khác trong quá trình đi tìm thương hiệu phim Việt, rằng khâu lọc của nhà đài là rất quan trọng.

"Lọc" thế nào?
Trả lời báo giới về việc có phải do áp lực phát sóng phim Việt vào "giờ vàng" mà nhà đài để lọt phim chất lượng kém, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC khẳng định: "VTV không vì tăng số lượng mà lơi lỏng chất lượng phim truyền hình. Có thể có một số bộ phim chưa đáp ứng được nhu cầu khán giả, vì thế chúng tôi sẽ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn đối tác tham gia làm phim, duyệt kịch bản và giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất". Tuy nhiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng bày tỏ: "Quan trọng nhất vẫn phải là trách nhiệm và cái tâm của người làm phim. Khó có thể giám sát toàn bộ mọi khâu nếu bộ phim được làm với thái độ thiếu tôn trọng khán giả".

Cũng không khó hiểu khi nhà đầu tư làm ra một bộ phim kém chất lượng, bởi điện ảnh không chỉ có tiền là xong. Những áp lực về hiệu quả kinh doanh lớn hơn áp lực về chất lượng nghệ thuật khiến phim chủ yếu dừng ở mức giải trí. Đạo diễn Đặng Nhật Minh phải thốt lên: "Những bối cảnh lộng lẫy sang trọng, đời sống xa hoa trong phim đã vẽ nên một xã hội Việt Nam dư thừa vật chất với những con người giàu có không có mối bận tâm nào khác ngoài tình yêu nam nữ". Dễ dãi về nội dung, cách làm phim truyền hình kiểu "mỗi ngày một tập" cũng khiến nhiều nghệ sĩ phản ứng. NSƯT Minh Châu trao đổi với Hànộimới đã nói: "Có lần được mời đóng phim, nhưng người ta chỉ đưa cho tôi phần kịch bản có nhân vật mà tôi sẽ đóng. Toàn bộ những nội dung khác liên quan đến những nhân vật và nội dung phim tôi không được biết. Tôi không thể hiểu tại sao có thể đóng phim khi không biết bối cảnh câu chuyện, các nhân vật liên quan đến vai diễn của mình?". Sự dễ dãi đúng là đang khiến nhiều phim truyền hình xã hội hóa đã tự "tầm thường hóa mình đi cả về nội dung và hình thức" như nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn thẳng thắn nhận định.

Nghị định 54/2010 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12) đã nêu rõ tại Điều 17: "Tỉ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, trong tỷ lệ đó phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20h đến 22h trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác". Áp lực là có thực, nhưng bên cạnh nỗ lực tự sản xuất của nhà đài và việc phối hợp với các đơn vị xã hội hóa, thì có thể tham khảo hình thức khác để bồi đắp thương hiệu phim truyền hình. Theo ý kiến của ông Gerry Herman, Giám đốc Cinematheque (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hans Farhhammer, Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam thì tiềm năng phổ biến phim qua truyền hình là rất lớn. "Đài truyền hình có kinh phí quảng cáo, nên đầu tư để làm phim truyện nhựa trong nước, sau đó chiếu trên truyền hình. Như ở một số nước châu Âu, mỗi năm một kênh truyền hình đầu tư cho hơn 100 phim truyện nhựa, sau khi chiếu rạp thì sẽ khai thác trên truyền hình".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn loay hoay “bài toán” chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.