Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn lo thiếu trường học

Thống Nhất| 20/07/2017 06:51

(HNM) - Thời điểm này, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2017-2018. Các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu hoặc học sinh chưa kịp nộp hồ sơ vẫn còn cơ hội trong đợt tuyển sinh bổ sung từ ngày 18 đến 20-7-2017.

Mối lo quá tải, thiếu chỗ học đang hiện hữu tại những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ảnh: Nhật Nam


“Năm rõ” trong tuyển sinh

Năm học 2017-2018, Hà Nội huy động 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, với tổng chỉ tiêu 557 nghìn trẻ mầm non, 145 nghìn trẻ 5 tuổi và 110 nghìn học sinh vào lớp 6. Hiện tại, các trường đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với nguyên tắc hàng đầu là minh bạch, công khai. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, trước thời điểm tuyển sinh 1 tháng, tất cả các trường phải công khai đủ “5 rõ”: Rõ chỉ tiêu, rõ tuyến, rõ thời gian, rõ phương thức và rõ trách nhiệm của người làm công tác tuyển sinh. Đây là năm thứ hai Hà Nội duy trì song song hai phương thức tuyển sinh là trực tuyến và trực tiếp, tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh, đồng thời giảm tải cho các trường trong việc nhận hồ sơ.

Bà Trần Lưu Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cho biết: Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh quận đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh từ ngày 15-5 và công khai cho phụ huynh theo tiêu chí “5 rõ”. Việc phân tuyến được điều chỉnh phù hợp. Ở cấp mầm non, dù số lượng trẻ ra lớp hằng năm đều tăng song 30 trường công lập đều được phân tuyến công khai, cụ thể đến từng tổ dân phố nên không xảy ra tình trạng lộn xộn hoặc thiếu chỗ học. Ví dụ, cùng nằm trên địa bàn phường Quỳnh Mai nhưng trẻ ở tổ 1, 2, 3, 6 được phân tuyến học ở Trường Mầm non Quỳnh Mai; trẻ em tổ 4, 5, 7, 8, 9, 10 học ở Trường Mầm non 8-3. Tương tự, tại phường Vĩnh Tuy, trẻ ở tổ từ 2 đến 13 học ở Trường Mầm non Lạc Trung; các tổ còn lại trẻ học tại Trường Mầm non Vĩnh Tuy.

Quận Tây Hồ năm nay cũng có chuyển biến tích cực trong tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là cấp mầm non. Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, so với các năm trước, sức ép tuyển sinh năm nay giảm hẳn do mạng lưới trường học trên địa bàn đang dần hoàn chỉnh, được phân bố tương đối đồng đều nên không còn chuyện học sinh đổ dồn vào một trường nào đó.

Áp lực tại những nơi nhiều nhà chung cư

Nếu như vài năm trước tình trạng quá tải trong tuyển sinh đầu cấp tập trung ở các quận trung tâm thì nay, hiện tượng này có chiều hướng dịch chuyển dần ra các quận mới, những nơi có nhiều khu chung cư. Theo ghi nhận, mặc dù không để xảy ra “điểm nóng”, nhưng mối lo quá tải, thiếu chỗ học đang hiện hữu tại những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu nhà ở cao tầng.

Bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì dẫn chứng: Riêng khối mầm non của huyện năm nay tăng 6.600 bé, tiểu học tăng 500 học sinh so với năm trước, chủ yếu tại các địa bàn có nhiều khu nhà cao tầng. Đơn cử, theo kế hoạch, Trường Tiểu học Tả Thanh Oai có 12 lớp một, nhưng theo điều tra có tới 913 học sinh trong độ tuổi, bao gồm cả học sinh diện KT1 (hộ khẩu tại xã Tả Thanh Oai) và KT2 (không có hộ khẩu nhưng đang cư trú thực tế). Nếu tiếp nhận hết số này thì sĩ số trung bình sẽ là hơn 80 học sinh/lớp. Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh huyện đã phân tuyến để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Song về lâu dài, đây thực sự là một bài toán khó nếu các khu đô thị vẫn tiếp tục mọc lên.

Quận Cầu Giấy, Long Biên có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng mạng lưới trường lớp, xây thêm phòng học, song, do là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh nên hầu hết các trường vẫn phải duy trì sĩ số ở mức trên 50 học sinh/lớp. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, toàn quận hiện có 65 trường mầm non, tiểu học và THCS, nhưng với mức tăng bình quân mỗi năm từ 6 nghìn đến 8 nghìn học sinh, ngành Giáo dục Hoàng Mai đang đứng trước thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm đủ chỗ học. Nguyên nhân là việc xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn không đồng bộ với việc xây dựng trường học, thực tế đã thấy rõ tại phường Định Công, Hoàng Liệt, Đại Kim…

Dù nhận định công tác tuyển sinh năm nay khá nền nếp, song ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ vẫn lo lắng: “Phường Thụy Khuê đã có đủ hệ thống trường, nhưng hiện có vài khu nhà cao tầng đang hoàn thiện, nếu đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ gây áp lực về chỗ học. Để giải quyết "bài toán" này, Tây Hồ dự kiến mở rộng diện tích của trường mầm non và xây bổ sung một trường tiểu học trên địa bàn phường Thụy Khuê vào cuối năm nay”.

Từ ngày 18 đến ngày 20-7-2017, các trường mầm non, tiểu học và THCS tuyển sinh bổ sung cho đủ chỉ tiêu. Những học sinh trong tuyến tuyển sinh nhưng chưa kịp nộp hồ sơ vẫn có thể đến trường trong thời gian này để làm thủ tục nhập học. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em được nhập học theo đúng tuyến tuyển sinh, đồng thời không được vận động phụ huynh đóng góp bất cứ khoản kinh phí nào ngoài quy định.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn lo thiếu trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.