(HNM) - Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- BYT- BCT ban hành mức tối đa khung giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) trong các cơ sở KCB công lập của liên bộ Y tế - Tài chính có hiệu lực từ ngày 15-4-2012.
Sẽ chênh lệch nhưng không lớn
Mức viện phí mới sẽ được áp dụng đối với 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp tại các BV ở mọi tuyến và vẫn được tính theo nguyên tắc thu một phần viện phí (chỉ gồm 3 yếu tố: chi phí thuốc, máu, dịch truyền; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, xử lý rác thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế). Các chi phí còn lại như lương cán bộ y tế, khấu hao nhà cửa… vẫn do ngân sách nhà nước chi trả.
Dù Bộ Y tế khẳng định, việc điều chỉnh viện phí sẽ không tác động đến những đối tượng có thẻ BHYT, nhưng người dân vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Ảnh: Hữu Oai
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, BV đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng trước khi trình khung giá mới của 447 dịch vụ y tế để Bộ Y tế phê duyệt. Theo ông Hiền, với BV hạng đặc biệt như Bạch Mai, giá các dịch vụ đều được đề nghị ở mức tối đa. Với mức tính này, giá tiền giường ngày sẽ là 70.000 đồng/người, giá khám bệnh là 20.000 đồng/lượt. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng chia sẻ, các BV do Sở Y tế Hà Nội quản lý hiện vẫn áp dụng khung giá cũ bởi ban xây dựng khung giá viện phí mới thành lập, sau đó phương án thu còn trình HĐND thành phố xem xét.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), giá được quy định trong Thông tư 04 được coi là mức giá tối đa, các tỉnh, thành căn cứ vào đó để phê duyệt mức giá sao cho phù hợp với điều kiện riêng của địa phương, còn Bộ Y tế sẽ phê duyệt mức giá tại 30 BV trực thuộc. Ông Liên khẳng định, mức viện phí sẽ khác nhau giữa các hạng BV, bằng hoặc nhỏ hơn khung giá tối đa, nhưng sự chênh lệch không quá lớn vì viện phí mới cũng chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành nên dịch vụ y tế. Các BV hạng đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, 108 sẽ được thu ở mức tối đa của khung giá này. Cũng theo ông Liên, tại các BV trực thuộc Bộ, sớm nhất cũng phải sau tháng 5 mới có thể áp dụng giá viện phí mới.
Giảm gánh nặng cùng chi trả
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ không tác động đến những đối tượng có thẻ BHYT. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, khi mức phí tăng lên bao nhiêu lần thì mức cùng chi trả của người dân cũng tăng lên bấy nhiêu lần. Vì thế, khi giá 447 dịch vụ y tế chủ yếu là được điều chỉnh tăng với mức tăng ít nhất là gấp hai lần mức cũ thì kể cả người có BHYT lẫn người không có thẻ BHYT, đặc biệt là người nghèo, sẽ phải đóng một khoản tiền rất lớn.
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) phân tích, giá dịch vụ y tế tăng, phần cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Quỹ BHYT sẽ chi trả cho BV đầy đủ hơn, thầy thuốc cũng chuyên tâm hơn vào việc KCB, góp phần nâng cao quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Với những nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo thì ngân sách nhà nước đã mua thẻ BHYT, còn người cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT để tham gia BHYT. Ngoài ra, để hạn chế ảnh hưởng của việc điều chỉnh viện phí đối với người nghèo và một số đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, Quỹ KCB cho người nghèo (Quỹ 139) cũng đã được "khôi phục" để hỗ trợ phần cùng chi trả 5% đối với người nghèo và một số trường hợp bị bệnh nặng hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim... Mặc dù vậy, ông Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam lại lo ngại, nguồn quỹ này được huy động từ nguồn ngân sách của địa phương và hoạt động trong nội bộ tỉnh nên với những bệnh nhân điều trị ngoại tỉnh sẽ khó được hỗ trợ kịp thời. Trong khi đó, những người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn hầu hết phải điều trị ở tuyến trung ương. Vì thế, một số chuyên gia y tế đề nghị các địa phương cần sớm xây dựng phương án hỗ trợ. Có thể là BV miễn giảm trực tiếp khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị rồi thanh toán sau với Quỹ 139 nơi bệnh nhân sinh sống hoặc xác nhận mức dự trù số tiền mà người bệnh phải chi trả cho đợt điều trị để người bệnh có cơ sở tạm ứng từ quỹ. Để người bệnh phải tự nộp tiền sau đó cầm chứng từ thanh toán với địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ là phương án cuối cùng nhưng sẽ khó hơn cho bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), đến thời điểm này Quỹ 139 vẫn là nguồn chính để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Ngoài ra cũng còn một số nguồn viện trợ từ các tổ chức như dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ở các vùng khó khăn. Nhiều BV cũng đã chủ động xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo không có điều kiện cùng chi trả hoặc những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mạn tính. Những nỗ lực đó có thể phần nào giảm gánh nặng cùng chi trả của người bệnh khi viện phí mới được áp dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.