(HNM) - Việc giá xăng bất ngờ tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua gây lo ngại cho người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn khẳng định:
Liệu có thể coi đây là lời an ủi với người tiêu dùng? Sau lần tăng giá điện mới đây, một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng "người dân được lợi". Trên thực tế, lợi đâu chưa thấy nhưng cứ sau mỗi lần hai mặt hàng quan trọng này tăng giá thì dư luận lại lao xao lo lắng. Xăng và điện, hai mặt hàng thiết yếu cùng tăng giá cách nhau không lâu khiến nhiều loại hàng hóa khác nhấp nhổm. Đành rằng khi đã theo cơ chế thị trường thì khi giá thế giới tăng, giá trong nước cũng phải lên theo. Nhưng theo dõi câu chuyện giá liên quan đến những mặt hàng này sẽ thấy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hay điện thời gian qua vẫn có điều gì đó chưa rõ ràng và thiếu linh hoạt.
Sau khi tăng thuế môi trường với xăng dầu mới đây, Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ không tăng giá bán lẻ mặt hàng này. Thế nhưng... Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc dự báo của cơ quan quản lý chưa chính xác. Từ giữa năm 2014, giá dầu thế giới tụt dốc, dự báo có xu hướng phục hồi chậm nên Bộ Tài chính mới đề xuất tăng thuế môi trường và hy vọng sẽ không ảnh hưởng đến giá bán trong nước. Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã không như dự tính...
Có thể thấy, dự báo thiếu chính xác là một thực tế đang tồn tại ở nhiều lĩnh vực. Ngoài chuyện của xăng dầu thì một loạt cuộc "giải cứu" nông sản trong thời gian qua đã phần nào cho thấy khả năng dự báo của cơ quan quản lý còn nhiều vấn đề. Nó dường như đang là một điểm yếu nguy hiểm trong điều hành của ta. Để lý giải cho quyết định của mình, cơ quan quản lý đã đưa ra rất nhiều lý do. Còn thiệt hại cho xã hội thế nào, có lẽ khâu thẩm định, điều tra trước hoặc khâu xử lý các phát sinh sau đó lại chưa được xem trọng. Ví dụ cách đây ít tháng, giá xăng liên tục giảm nhưng các doanh nghiệp vận tải lại "cố thủ" neo giá cao khiến cơ quan quản lý phải rất chật vật mới điều tiết được.
Đáng lẽ người dân sẽ bớt lo lắng hơn trước mỗi đợt tăng giá xăng, giá điện nếu như việc quản lý giá các mặt hàng này minh bạch hơn. Nhưng tiếc là việc minh bạch giá xăng, giá điện thời gian qua dù được tranh luận rất nhiều nhưng đến nay, với người dân thông tin hầu như vẫn rất ít. Trước mỗi lần rậm rịch tăng giá là y như rằng doanh nghiệp lại có động thái than lỗ, nhưng lỗ như thế nào thì người dân không biết.
Công tác quản lý có nhiều vấn đề, năng suất thấp, tổn thất điện năng lớn được các chuyên gia cho là nguyên nhân chính khiến giá thành điện của Việt Nam cao; dự báo kém, phản ứng thị trường chậm, độc quyền và thiếu minh bạch làm cho giá xăng dầu thất thường, "tăng phi mã, giảm nhỏ giọt"... Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần có một tổ chức độc lập kiểm soát giá điện, giá xăng thay vì trực thuộc một bộ quản lý như hiện nay. Khi mà thị trường những mặt hàng thiết yếu này chưa có sự cạnh tranh thực sự thì cơ chế kiểm soát này sẽ phát huy tác dụng và khi ấy người dân sẽ bớt phải lo âu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.