Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là câu chuyện ''văn ôn, võ luyện''

Minh An| 04/06/2022 06:05

(HNMCT) - Sau những phút giây ăn mừng, những buổi lễ mừng công tấm Huy chương vàng (HCV) đơn nam SEA Games 31, đội tuyển bóng bàn quốc gia đã trở lại guồng quay tập luyện. Lúc này, câu chuyện “văn ôn, võ luyện”, được thi đấu quốc tế nhiều hơn của các tay vợt Việt Nam là điều được quan tâm hơn cả.

Tay vợt Nguyễn Đức Tuân vô địch nội dung đơn nam tại Sea Games 31. Ảnh: Đăng Huy

Thấm thía việc thiếu cọ xát

Dịch Covid-19 khiến đội tuyển bóng bàn Việt Nam không thể thi đấu quốc tế trong hơn 2 năm. Cái mất về tiền thưởng của VĐV khi không được dự giải quốc tế là một chuyện, cái mất khác quan trọng hơn liên quan tới yếu tố chuyên môn. Chẳng hạn, các tuyển thủ bóng bàn Việt Nam không còn được xếp hạng trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới do không dự các giải quốc tế trong hơn 2 năm. Rồi đội tuyển bóng bàn Việt Nam cũng không có lợi thế trong bốc thăm hạt giống ở các nội dung thi đấu tại SEA Games 31.

Huấn luyện viên Đinh Quang Linh đã lưu ý Ban tổ chức môn bóng bàn SEA Games 31 là cần cân nhắc vị trí hạt giống ở nội dung đồng đội căn cứ vào thành tích tại SEA Games 29 (kỳ SEA Games gần nhất có nội dung đồng đội và đội Việt Nam đã lên ngôi vô địch đồng đội nam). Tuy vậy, câu trả lời là tất cả phải dựa vào vị trí trên bảng xếp hạng gần nhất của Liên đoàn Bóng bàn thế giới.

Và đương nhiên phải kể đến sự thiếu cảm giác thi đấu, nhất là ở những trận đấu giàu sức ép. Như đúc kết của người làm nghề thì mặc dù chỉ có một chuyến tập huấn quốc tế tại Hungary mà gần như cả đội lây nhiễm Covid-19, chỉ được cọ xát với những đối thủ “tầm tầm” trong thời gian hơn nửa tháng tại đây, thế nhưng thật đáng khen khi các tay vợt Việt Nam đã giành 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Đồng ở SEA Games 31. Đáng lưu ý, trong số này, 2 tấm Huy chương Đồng ở nội dung đồng đội nữ, đôi nữ được xem là dấu hiệu khởi sắc cho bóng bàn nữ Việt Nam vốn sa sút thấy rõ trong 2 kỳ SEA Games 29 và 30.

Tăng cơ hội thi đấu quốc tế

Lúc này, đội tuyển bóng bàn quốc gia đã tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á năm 2022 (diễn ra từ ngày 23 đến 29-6 tại Thái Lan). Không tính SEA Games 31, đây là giải đấu quốc tế đầu tiên của đội trong vòng hơn 2 năm qua. Điều đó sẽ giúp các tuyển thủ tích thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới, đồng thời tiếp tục có môi trường để trui rèn bản lĩnh, chuyên môn.

Ông Phan Anh Tuấn - phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục Thể dục thể thao), Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, nói rằng, ngay trong thời gian diễn ra SEA Games 31, khi biết tin Giải vô địch Bóng bàn Đông Nam Á năm 2022 được tổ chức trở lại, lập tức bộ môn đã chuẩn bị thủ tục để đội đi thi đấu tại Thái Lan. Nguồn kinh phí thi đấu quốc tế mà bộ môn được duyệt trong năm 2022 vẫn đủ để đội tuyển quốc gia dự Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á và đội tuyển trẻ quốc gia dự Giải vô địch trẻ Đông Nam Á năm 2022. “Sau 2 giải này, khi cân đối, tính toán kinh phí, nếu còn thừa thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các VĐV trọng điểm của đội tuyển quốc gia dự các giải đấu mở thuộc hệ thống thi đấu Liên đoàn Bóng bàn thế giới để tích thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới cũng như nâng cao trình độ” - ông Phan Anh Tuấn nói.

Huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn quốc gia Đinh Quang Linh dẫn câu chuyện về tay vợt Thái Lan Padasak Tanviriyavechakul, theo đó, kết thúc thi đấu tại SEA Games 31 là tay vợt này đã sang ngay Hy Lạp thi đấu cho một câu lạc bộ của nước này. Với việc được thi đấu quốc tế liên tục như vậy, sẽ không lạ nếu Padasak vượt qua các tay vợt Việt Nam, kể cả nhà vô địch SEA Games 31 Nguyễn Đức Tuân trong tương lai. Không kể, các tay vợt khác của Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng dự kiến thi đấu quốc tế liên tục trong thời gian tới.

Thế nên, HLV Đinh Quang Linh cho rằng, ngoài nguồn kinh phí thi đấu quốc tế còn eo hẹp của bộ môn bóng bàn (Tổng cục Thể dục thể thao), rất cần đến sự góp sức từ nhiều nguồn, trong đó có Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, để các tay vợt được thi đấu quốc tế nhiều hơn. Không kể, nếu các tay vợt được các câu lạc bộ nước ngoài mời thi đấu trong thời gian ngắn thì cũng cần được tạo điều kiện để họ cọ xát, xem đó là cách để bù đắp cho việc thiếu hụt kinh phí thi đấu quốc tế từ đơn vị quản lý.

Rõ ràng, guồng quay bóng bàn Đông Nam Á vẫn chuyển động không ngừng. Khi không còn rào cản vì dịch bệnh thì việc các tay vợt được thi đấu quốc tế liên tục càng trở nên cần thiết, nhất là ở môn thi đấu đòi hỏi sự “va đập” liên tục như bóng bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là câu chuyện ''văn ôn, võ luyện''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.