Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là “căn bệnh” thành tích!

Hoài Việt| 22/12/2012 07:23

(HNM) - Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 (AUG 16) vừa kết thúc tại Lào tối 20-12. Với đội hình nòng cốt là VĐV các đội tuyển quốc gia, đoàn thể thao sinh viên Việt Nam xếp hạng Nhì toàn đoàn với 119 huy chương (56 HCV, 35 HCB, 28 HCĐ), đoàn Malaysia hạng Nhất với 180 huy chương, thứ Ba là đoàn Thái Lan với 153 huy chương.

Đoàn VĐV Việt Nam đứng thứ Nhì toàn đoàn tại Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á 2012. Ảnh: Trung Toàn


Khát vọng huy chương...

Đó là điều dễ hiểu bởi tham dự Đại hội lần thứ 16-2012, đoàn thể thao SV Việt Nam góp mặt tới… 258 thành viên gồm 170 VĐV để dự tranh 12/17 môn thi đấu của đại hội. Trên thực tế, không phải bây giờ mà từ Đại hội thể thao SV Đông Nam Á lần trước (2010) báo giới đã nhiều lần đề cập tới chuyện đội ngũ VĐV tham dự của chúng ta. Tiêu chí của đại hội luôn rõ ràng bởi nó là sân chơi dành cho SV của những quốc gia trong khu vực. Thế nhưng, dường như nó chưa bao giờ mang lại sự công bằng, một điều luôn cần thiết trong thi đấu thể thao nghiệp dư. Bởi VĐV đoàn thể thao Việt Nam rõ là SV thật nhưng đa phần đang là các tuyển thủ của các đội tuyển thể thao quốc gia. Như vậy, họ hoàn toàn là những VĐV chuyên nghiệp.

Cả nước có rất nhiều trường ĐH nhưng sự tuyển lựa SV đúng nghĩa và không phải dân chuyên thể thao để tham gia thi đấu tạo sự hứng khởi, rèn luyện sức khỏe - tiêu chí được đặt ra hàng đầu cho đại hội, rất khó thực hiện. Thay vào đó, chỉ cần tuyển thủ quốc gia, đã và đang theo học không kể hệ chính quy hay tại chức, dài hạn hay ngắn hạn là đủ tiêu chuẩn tham dự. Ngẫu nhiên, những cá nhân ấy thành hạt nhân đi… tranh huy chương. Năm 2012 này, cứ nhìn thành phần các đội tuyển là thấy. Với bóng chuyền nữ thì đích thân HLV trưởng tuyển nữ Phạm Văn Long dẫn dắt và đội hình đầy đủ cặp chủ công đội tuyển gồm Đỗ Thị Minh - Phạm Thị Yến, chuyền hai Diệu Linh. Taekwondo thì gồm cả đội hình biểu diễn quyền vừa dự giải VĐTG 2012 ở Colombia kết hợp cùng một số tuyển thủ đội đối kháng. Nhìn đội hình bóng bàn toàn tay vợt cứng cựa nhất của đội tuyển nam, nữ quốc gia hiện tại là Mai Hoàng Mỹ Trang, Việt Linh, Tường Giang, Thiên Kim, Đào Duy Hoàng, Đinh Quang Linh, Huy Bảo, Nguyễn Văn Ngọc nên dễ thấy họ có HCV là không bất ngờ. Hay như điền kinh gồm Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Thúy… Vậy, trong cuộc đấu giữa những SV là tuyển thủ thể thao chính hiệu thi đấu với đối phương là những SV đến từ học đường chính hiệu, ai sẽ thắng?

Có ai hiểu?

Câu hỏi đó dễ giải đáp: VĐV được ăn, tập thể thao chuyên nghiệp sẽ chiến thắng. Thực ra, không phải những người làm tổ chức đoàn SV tại Vụ Công tác HS-SV của Bộ GD-ĐT không rõ điều ấy. Nhưng biết sao được, áp lực thành tích nên họ đồng tình và có thể cả… khuyến khích những VĐV đang học tại các trường đại học TDTT góp mặt cho xôm tụ. Có câu chuyện mà ít ai hiểu là khi bước ra thi đấu, không phải VĐV nào của Việt Nam cũng thấy hân hoan trong mỗi thắng lợi. Đã có VĐV từng dự đại hội này ở năm 2010 khi trở về chia sẻ: "Thật ra chúng tôi cũng thấy hơi ngượng bởi mình hơn người ta là do cuộc đấu giữa dân thể thao chuyên nghiệp với dân thể thao nghiệp dư. Chiến thắng, có huy chương đấy nhưng cũng không vui cho lắm". Việc đưa VĐV chuyên nghiệp ra tranh tài cũng đồng nghĩa với việc họ "tranh" mất sân chơi dành cho đối tượng không chuyên. Hơn nữa, đưa đội hình gần 300 con người tới Lào vào thời điểm khó khăn như lúc này liệu có cần thiết phải đến mức ấy không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là “căn bệnh” thành tích!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.