Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là bị động

Hoàng Thu Vân| 29/03/2010 04:39

(HNM) - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới Việc Cục ATVSTP (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu các chi cục ATVSTP của các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương thu hồi, tiêu hủy loại kẹo phát sáng có chứa độc chất.

Loại kẹo nhập lậu này gần đây được bày bán ở các hiệu tạp hóa, phổ biến nhất là tại cổng các trường tiểu học với giá từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng một chiếc. Đây là "mặt hàng" có sức hút đặc biệt đối với trẻ em vì không chỉ có đủ các màu sắc với nhiều hình thù ngộ nghĩnh mà trong bóng tối còn có thể phát ra ánh sáng...

Theo nhiều phụ huynh và một số em học sinh thì loại kẹo ma quái này bắt đầu xuất hiện từ dịp noel năm trước, có nghĩa tới nay đã là 3 tháng có dư. Nhưng mới đây dư luận mới tá hỏa khi Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm kết luận: Kẹo phát sáng được là nhờ chất Phtalate (dung môi) kết hợp với Poly aromatic hydrocacbon (PAH) tạo phản ứng ôxi hóa. Đặc biệt chất PAH là một chất cực độc gây ung thư và đột biến gien...

Đến lúc này mọi người mới để ý và phát hiện ra loại kẹo trên chỉ in loằng ngoằng vài dòng chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần.

Việc phải nhanh chóng thu giữ và tiêu hủy sản phẩm nguy hại này là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên qua đây cũng có không ít điều cần suy ngẫm. Trước hết, đây không phải là lần đầu phát hiện ra những sản phẩm như vậy được công khai bày bán trên thị trường. Trước kẹo phát sáng là sa tế, nước tương, hạt dưa, ớt bột có phẩm công nghiệp... rồi quần áo, son môi, sữa tắm... trong thành phần hóa học có chứa chất gây ung thư.

Đã có hàng loạt vụ việc, song dường như những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý luôn trong tình trạng bị động. Do đó, với nhiều sản phẩm khi được phát hiện không đủ điều kiện về ATVSTP thì đã có không ít người tiêu dùng đủ mọi thành phần, lứa tuổi là nạn nhân. Hậu quả là mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa cả đến tính mạng con người, có thể ngày hôm nay là chưa bộc lộ, chưa nhìn ra, nhưng ngày mai thế nào thì chưa ai có thể khẳng định. Và chắc chắn còn không ít những mặt hàng tiềm ẩn sự độc hại chưa bị phát hiện.

Vấn đề ở đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, những bất cập, tồn tại và cả các thiếu sót, kẽ hở "con voi có thể chui lọt"... đều được phân tích, mổ xẻ rất nhiều, trong đó có những vấn đề từng được nhắc tới, như là điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng lạ là sự chuyển biến rất chậm. Cơ quan chức năng vẫn "bình chân như vại" với lý do chuyện khắc phục không thể một sớm một chiều vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan. ATVSTP quan trọng trong đời sống như thế nào thì ai cũng biết. Nhưng cái lý do thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác này đã được đề cập trong mấy năm qua (hiện tính ra trung bình mỗi tỉnh, thành phố chỉ có gần 1 người) thì đến nay vẫn vậy. Hay như chuyện một cán bộ hải quan của Lạng Sơn cho biết, cũng muốn kiểm tra hoa quả nhập khẩu xem có chứa chất bảo quản độc hại thuộc danh mục cấm hay không, nhưng không biết làm cách nào, ngoài việc nhìn và đánh giá bằng... mắt thường. Rồi việc kiểm tra quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sử dụng tại các làng nghề làm giò chả, làm bánh trung thu, mứt tết... chỉ như "đến hẹn lại lên" do thiếu người...

Thị trường thì ngày càng sôi động. Những sản phẩm mới xuất hiện ngày càng nhiều. Công tác quản lý của cơ quan chức năng ngày càng bề bộn. Tuy nhiên qua chuyện kẹo phát sáng độc hại ngẫm lại, thấy quá nhiều nỗi lo. Đúng là không thả nổi, không buông lỏng thị trường. Song nếu cứ làm ăn kiểu bị động như thế, không lẽ hơn 80 triệu người Việt Nam đều phải trở thành "nhà thông thái" để tự bảo vệ mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là bị động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.