Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là bài toán khó

Quỳnh Anh| 11/06/2010 06:33

(HNM) - Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, mỗi năm nước ta có thể trồng được 7,2 triệu hécta lúa và ước tính sản lượng năm 2015 là 38,75 triệu tấn. Mặc dù có diện tích gieo trồng lớn nhưng việc áp dụng khoa học, công nghệ (KHCN), đặc biệt là cơ giới hóa trong tất cả các khâu từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch còn hạn chế.

Kiểm tra đánh giá khả năng sinh trưởng của giống lúa mới cho năng suất cao tại Trung tâm giống cây trồng Nam Định. Ảnh: Huy Hùng


Thất thoát quá lớn
Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá chính xác sự đóng góp của KHCN đối với sản xuất nông nghiệp, người ta chỉ mới đưa ra những tỷ lệ tương đối như: Hàm lượng chất xám chiếm hơn 30% giá trị sản phẩm hàng hóa; biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5-20%; biện pháp phân bón tăng 10-15%, tưới tiêu giúp tăng 20-40%...

TS Chu Văn Thiện, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng lúa lớn nhất nước với những cánh đồng từ 1.000 - 2.000ha nhưng việc áp dụng cơ giới hóa hầu hết chỉ dừng ở khâu làm đất. Ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), do trung bình mỗi hộ có đến 8,6 thửa ruộng, diện tích manh mún, cách xa nhau nên việc ứng dụng cơ giới hoá gặp nhiều khó khăn. Đến nay, diện tích lúa cấy bằng tay ở ĐBSH vẫn chiếm tới 90%.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh máy móc, thiết bị nông nghiệp. Lượng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp là trên 500.000, gồm máy nổ, máy phát điện, máy cày, gặt đập và các dòng máy chuyên dùng khác. Song, điều đáng lo hơn cả là các cơ sở sản xuất cơ khí trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu và phải nhập khẩu từ Trung Quốc tới 60%. Do công tác thu hoạch dựa nhiều vào lao động thủ công nên tỷ lệ thất thoát lúa là khoảng 12-15% sản lượng. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: "Tổn thất sau thu hoạch không chỉ làm giảm sản lượng, mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá trị hạt gạo, giảm thu nhập của nông dân".

Không chỉ riêng cây lúa, những cây trồng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, hồ tiêu, hạt điều, lạc, đỗ tương, ngô... cũng ở trong cảnh chăm sóc và thu hoạch chủ yếu bằng lao động chân tay. Khâu được xem là khá nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện mới dừng ở công tác lai tạo và chọn giống.

Cần bước đi đột phá
TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược NN&PTNT) cho biết, điều đáng lo ngại là mức độ đóng góp của KHCN thấp đối với tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật là đầu tư thấp và cơ chế chính sách bất cập. Theo Ngân hàng thế giới, tổng đầu tư cho một cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam chỉ bằng 9% của Indonesia và Thái Lan, 2,5% của Malayxia. Những yếu kém trong cơ chế chính sách khó chỉ ra bằng con số, nhưng rõ ràng cán bộ KHCN không có động lực, hăng hái dốc toàn tâm cho việc nghiên cứu. Các đơn vị KHCN chưa thực sự gắn bó thiết tha với hiệu quả đóng góp cho sản xuất. Do thu nhập và hiệu quả sản xuất thấp nên nông dân không gắn bó với nông nghiệp...

Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đến năm 2020 nước ta phấn đấu đạt 100% diện tích trồng lúa ở ĐBSH và ĐBSCL được cơ giới hóa bằng các thiết bị tiên tiến. Trong đó, diện tích được gieo trồng và thu hoạch bằng máy ở ĐBSH đạt 50%, ĐBSCL là 80%. Để làm được điều này, trước tiên cần có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy xây dựng công trình thủy lợi, cải tạo ruộng đồng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.

Cùng với đó là chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư chế tạo máy móc nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc áp dụng các thành tựu KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nền nông nghiệp giá trị cao bằng cách chuyển giao, ứng dụng các kết quả KHCN, nhất là công nghệ cao và công nghệ sinh học, cải tiến máy móc của nước ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tế trong nước để giảm thời gian và chi phí nghiên cứu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân về kỹ năng sử dụng máy móc, đào tạo các ngành nghề cơ khí nông nghiệp theo mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và người nông dân. Ngoài ra, vấn đề đổi mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng chuyển giao công nghệ chế biến thu hoạch cũng cần được quan tâm.

Với người nông dân, KHCN sẽ không là vấn đề cao siêu nếu như những gì họ đang đối mặt nhanh chóng tìm được sự hỗ trợ. Nếu đầu tư đủ mạnh cho nghiên cứu và Nhà nước có chính sách hợp lý thì cơ hội đổi đời cho người dân sẽ đến gần hơn. Tương lai thì xa mà sự thật thì gần khi vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng bài toán nông nghiệp - nông thôn và nông dân vẫn chưa có lời giải thấu đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.