Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn khó đồng vốn

Nguyễn Mai| 27/03/2015 06:33

(HNM) - Theo đánh giá của BCĐ Chương trình 02 thành phố Hà Nội, tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Mỹ Đức rất chậm và là một trong những huyện thuộc tốp cuối của thành phố.



Mới đây, Tổ công tác giúp việc BCĐ Chương trình 02 đã làm việc tại huyện Mỹ Đức nhằm tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn và đề xuất biện pháp tháo gỡ trong quá trình xây dựng NTM. Kết quả cho thấy, 6 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM năm 2015 của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng tại Mỹ Đức vẫn chưa được hoàn thiện do thiếu vốn. Ảnh: Bảo Lâm


Nhiều tiêu chí chưa đạt

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nguyễn Văn Sơn cho biết, cả xã không có một doanh nghiệp nào nên vận động doanh nghiệp tham gia đóng góp cho xây dựng NTM rất khó. Trong các năm 2012-2014, xã đã đầu tư 40 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp chiếm tỷ lệ lớn để tập trung cho xây dựng cơ bản, hoàn thiện hạ tầng nông thôn, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa. Theo Đề án xây dựng NTM của xã được phê duyệt, tổng kinh phí cho Chương trình 02 là 197 tỷ đồng nhưng số vốn thành phố đầu tư vào đây rất nhỏ giọt. Hiện nay, xã Mỹ Thành đã đạt 14 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Chợ nông thôn, trường học, môi trường, thu nhập và giao thông đều rất cần kinh phí, trong đó chủ yếu là kinh phí từ ngân sách.

Tương tự, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng Nguyễn Đức Trường bày tỏ: Nguồn vốn của thành phố và của huyện hỗ trợ đều rất ít, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hầu như không có nên xã rất thiếu vốn để đầu tư NTM theo đúng tiến độ. Xã đã quy hoạch 10ha đất để phát triển chăn nuôi đến nay vẫn chưa làm được vì điểm quy hoạch này thuộc quỹ đất I, một số hộ dân có đất ở khu vực này không có nhu cầu chăn nuôi nên không tham gia. Trong khi đó, người dân lại không "thiết tha" với đồng ruộng. "Nếu tính chi phí cho giống, phân bón, thuê công cấy, gặt, làm đất thì lợi nhuận thu được từ làm ruộng gần như bằng không. Vừa qua, xã đã làm điểm mô hình mạ khay, máy cấy hiệu quả vượt trội hơn hẳn làm ruộng theo cách truyền thống, người dân rất phấn khởi và mong thành phố và huyện tiếp tục hỗ trợ thêm để nhân rộng mô hình này" - ông Trường đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Cành cho biết, nguồn lực cho xây dựng NTM của huyện rất hạn chế. Cũng do thiếu vốn để "tạm ứng" nên huyện vẫn chưa cấp lại được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau dồn điền, đổi thửa mà phải chờ thành phố. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khi áp dụng vào thực tế vướng không thực hiện được như việc xây dựng dự án khu giết mổ tập trung. Bà Lê Thị Kim Thúy, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết thêm: Theo Quyết định số 16 của UBND thành phố, việc hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng không có "danh mục" kè đường. Trong khi đó, huyện Mỹ Đức thuộc vùng trũng, đường giao thông nội đồng không được kè nên cứ đổ được một thời gian là sạt, sụt.

Khó ngay từ tư tưởng

Đến thời điểm hiện nay, huyện Mỹ Đức mới có 1 xã đạt chuẩn NTM là xã điểm Phùng Xá. Hiện các nhóm tiêu chí đạt thấp là thủy lợi mới có 6/21 xã đạt; trường học 3/21 xã đạt; cơ sở vật chất văn hóa 3/21 xã đạt; chợ nông thôn 8/21 xã đạt; thu nhập bình quân đầu người 2/21 xã đạt… Năm 2015, huyện phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM: Mỹ Thành, Hồng Sơn, Đại Hưng, Đốc Tín, Hương Sơn và Hợp Thanh. Theo kế hoạch của huyện Mỹ Đức, kinh phí hỗ trợ cho 6 xã đạt chuẩn NTM năm 2015 là trên 108 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang thừa nhận, bên cạnh khó khăn về vốn, trên địa bàn huyện cũng đang gặp khó khăn không nhỏ đó là tư tưởng của cả cán bộ và người dân còn chưa hiểu về phương thức để đạt các tiêu chí NTM, dẫn tới tư tưởng ỉ lại. Ông Sang chỉ rõ, tại xã Mỹ Thành, trong khi lãnh đạo xã "kêu" thiếu vốn thì lại chưa đọc kỹ tiêu chí chấm điểm NTM: Đường giao thông thủy lợi nội đồng theo tiêu chí yêu cầu chỉ cần bê tông các tuyến chính, các tuyến đường nhánh chỉ cần cứng hóa (đổ cấp phối) là được. Xã muốn được đổ bê tông hết thì không thể có kinh phí. Đối với giao thông ngõ xóm, những nơi đã có đường giao thông tốt, địa phương cần vận động nhân dân xã hội hóa làm cống, rãnh thoát nước, không nên chờ vào kinh phí nhà nước trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn.

Ông Sang cho biết, điều khó khăn nhất đối với huyện Mỹ Đức hiện nay đó là các tiêu chí cơ sở vật chất trường học. Toàn huyện hiện có 76 trường nhưng mới có 27 trường đạt chuẩn quốc gia. Việc đầu tư để 49 trường còn lại đạt chuẩn cần một lượng kinh phí rất lớn. Hai là, người dân mong muốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm đầu tư sản xuất và vay vốn. Cũng tại buổi làm việc này, UBND huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố sớm phân bổ kinh phí xây dựng NTM trực tiếp cho huyện để cân đối đầu tư cho các xã theo quy định. Chia sẻ với thành phố khó khăn về vốn, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang cũng kiến nghị, đối với những công trình trọng điểm phải tập trung nguồn lực thành phố vẫn cần có chính sách ưu tiên cho những địa phương khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn khó đồng vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.