(HNM) - Chúng ta đang đứng trước thời điểm lịch sử ngàn năm có một - Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu khẳng định, có thể xem đây là thời khắc đánh dấu một chu kỳ phát triển mới của Thủ đô, với khát vọng phát triển nhanh, hài hòa và toàn diện để Hà Nội xứng đáng hơn nữa với vai trò Thủ đô của một quốc gia đang vận động, hội nhập cùng dòng chảy thời đại.
Ta nhìn về tương lai và thấy thời cơ của Hà Nội được tạo ra bởi sự hội tụ của thế và lực bắt nguồn từ cả bề dày lịch sử, những giá trị phi vật chất cùng sự năng động, sức sáng tạo và sức mạnh thời đại cộng hưởng với nguồn lực về vốn, vật chất tích lũy qua bao đời của mảnh đất trung tâm Đồng bằng Bắc bộ.
Cầu Vĩnh Tuy - một công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Về thế, trước hết, Hà Nội nay tròn nghìn năm tuổi và hiếm có một thủ đô của nước nào có lịch sử như vậy. Hẳn phải có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như thế nào, thì nơi đây mới được Lý Công Uẩn - Thái tổ triều Lý chọn làm kinh đô của nước ta? Chính vị thế "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Thăng Long - Hà Nội cũng đã được nhiều triều đại sau đó chọn làm Thủ đô của đất nước, rồi đã được chọn làm Thủ đô khi nước Việt Nam thống nhất.
Hà Nội là Thăng Long. Dù đôi ba lần thu hẹp, mở rộng, nhưng về cốt lõi và sống mãi trong tâm thức của người dân ở mọi miền đất nước, Hà Nội vẫn là Thăng Long. Mà Thăng Long là Rồng Bay - một thế mà không phải nơi nào cũng có được. Một nghìn năm Hà Nội tụ khí đất Rồng thiêng.
Hà Nội đang đứng trước thời cơ mới với thế và lực mới.
Tuy chỉ chiếm 7,52% tổng số dân của cả nước, nhưng Hà Nội đã chiếm tỷ trọng cao hơn về sức mạnh kinh tế và đứng hàng đầu trong các tỉnh/thành phố đối với hầu hết các chỉ tiêu quan trọng khác: số doanh nghiệp chiếm trên 19,2%, đứng thứ hai. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và bổ sung tính từ 1988 đến tháng 8-2010 chiếm 11%, đứng thứ ba. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 10%, đứng thứ hai. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm 13%, đứng thứ hai. Tỷ lệ số trường, số giảng viên và sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, số cơ sở khám chữa bệnh, số giường bệnh, số bác sĩ, số viện nghiên cứu khoa học... cũng cao hơn so với mức chung của cả nước và luôn đứng hàng đầu cả nước. Riêng tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao gấp đôi, tỷ lệ người có bằng đại học cao gấp ba mức bình quân cả nước. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước và tỷ lệ tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Nội cũng thuộc loại rất cao so với các tỉnh, thành phố.
Sự lãnh đạo trực tiếp có hiệu quả của TƯ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự chi viện của các bộ, ngành ở TƯ, từ đầu tư cán bộ, kế hoạch và giải pháp thực hiện, ý kiến chỉ đạo, vốn đầu tư, ngân sách... cũng là nguồn lực rất quý giá và thường xuyên.
Nguồn lực từ sự ủng hộ và liên kết của các địa phương trong cả nước, theo tinh thần "Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội". Quy mô ủng hộ và liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh sẽ có thời cơ phát triển khi các tuyến giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy... được nâng cấp, hiện đại hóa. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là của Hà Nội mà là của cả nước, cả nước sẽ cùng với Hà Nội làm cho Thủ đô xứng đáng hơn nữa với vị trí Thủ đô nước Việt của thiên niên kỷ thứ hai.
Thủ đô Hà Nội đang bước vào thiên niên kỷ thứ hai với nhiều nét chấm phá mới. Thủ đô sẽ có một thành phố lõi và các thành phố vệ tinh được nâng cấp, hoặc đang trong quá trình ra đời, như: Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hòa Lạc, Sóc Sơn... Thành phố lõi được nối với các thành phố vệ tinh bằng các con đường quy mô lớn, vừa đẹp, vừa hiện đại và theo đó là những dự án với tổng vốn dự báo lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, nguồn lực được huy động để hoàn thiện và hiện đại hóa bộ mặt đô thị. Các khu phố cổ được bảo tồn, các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, hiện đại làm cho con người sống tiện nghi hơn; thành phố xanh, sạch, đẹp hơn.
Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, mục tiêu cuối cùng đạt được không phải chỉ tính bằng tốc độ cao trong ngày hôm nay, mà phải bằng sự bền vững của tốc độ đó trong dài hạn. Đối với Thủ đô sau khi mở rộng, kinh tế là quan trọng, nhưng việc quản lý đô thị, việc phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường còn quan trọng hơn. Ngay về mặt kinh tế thì cơ cấu cũng cần chuyển dịch theo hướng tỷ trọng dịch vụ ngày một tăng và công nghiệp theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch; nông nghiệp hướng tới nông nghiệp sạch, sinh thái...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.