Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học Việt Nam ra thế giới: Để sự khác biệt ngôn ngữ không còn là rào cản

Ngọc Anh| 19/02/2019 18:13

(HNMO) - Một loạt sự kiện giao lưu văn học Việt Nam với các nhà xuất bản, giới văn học quốc tế diễn ra trong 3 ngày (từ 16 đến 18-2) đã mang đến cho văn học Việt Nam không ít cơ hội để vươn ra thế giới.


Tín hiệu vui

Việt Nam có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Nhiều tập thơ nổi tiếng của Việt Nam đã được dịch ra tiếng nước ngoài như: Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Truyện Kiều - tập truyện thơ nổi tiếng được xét vào hàng kinh điển của Việt Nam đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.

Cuốn sách "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc.


Gần đây, văn học Việt Nam hiện đại đã có những bước tiến dài với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Năm 2018, nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á lần thứ hai, được tổ chức ở Gwangju, Hàn Quốc.

Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn.

Tháng 9-2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế.

Vừa qua, tập tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson. Đây là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Bình Phương được dịch và in tại Pháp, sau tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy”, dịch và in năm 2014.

Tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng được nhận giải thưởng quốc tế và in bằng tiếng Đức.


Bên cạnh đó, những tác phẩm “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Mình và họ”… cũng có “kênh” riêng khi xuất bản ở nước ngoài. Điều này cho thấy ngày càng rõ con đường hội nhập của văn học Việt Nam ra thế giới.

Cần hơn nữa những “cầu nối”

Tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III tổ chức cuối tuần qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, gần 20 năm đã trôi qua kể từ Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ nhất năm 2002, đã có thêm nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có nhiều tác phẩm được tặng giải thưởng tại các hội chợ sách quốc tế hoặc của nhà xuất bản, các tổ chức văn học quốc gia.

Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam và thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Ngoài ra, số sách văn học Việt Nam trong các trường đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh.

Ngày thơ Việt Nam 2019 trở thành sự kiện văn học đáng nhớ khi lần đầu tiên có sự góp mặt của 200 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng của quốc tế.


Tuy nhiên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, dù văn học dịch của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, phát triển hơn so với trước kia nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn để văn học Việt Nam vươn ra rộng hơn với thế giới. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các tác giả Việt Nam trong việc tìm ra cách thể hiện mới, tư duy mới.

Theo GS.TS Gunter Giesenfeld, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt, với những người Việt Nam sống ở nước ngoài, văn học Việt Nam thực sự là cơ hội để họ hiểu biết về quê hương mình. Tuy nhiên, việc quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài còn ít.

GS.TS Ahn, Kyong - hwan, Đại học Chosun (Hàn Quốc) cũng nhận định, tác phẩm văn học của Việt Nam được giới thiệu tại Hàn Quốc còn ít cũng như văn học của Hàn Quốc vẫn chưa được giới thiệu nhiều tại Việt Nam. Theo GS.TS Ahn, Kyong - hwan, để khắc phục tình trạng này cần có sự nỗ lực của những biên dịch văn học cũng như sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan quản lý của hai nước.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam trở thành sự kiện văn hóa đặc biệt khi lần đầu tiên hội tụ hơn 200 các nhà xuất bản, nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế. Có thể thấy rõ, không khí tổ chức các hoạt động quảng bá văn học Việt Nam khá sôi nổi. Nhiều nhà văn, nhà thơ của Việt Nam và các nước bạn đã gửi gắm những kỳ vọng vào sự hợp tác mới trong lĩnh vực xuất bản, thông tin. Văn học Việt Nam có thêm nhiều hy vọng cho những chuyến “xuất ngoại” trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học Việt Nam ra thế giới: Để sự khác biệt ngôn ngữ không còn là rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.