(HNMO) - Ngày 26-12, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bảo tồn di sản phố cổ”, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của văn nghệ sĩ Thủ đô.
Đề dẫn tọa đàm, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, khu vực phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt, có nguồn lực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng; chứa đựng “hồn cốt” của kinh đô Thăng Long; có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Từ nhiều năm qua, phố cổ Hà Nội cùng những giá trị ẩn chứa trong đó là cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc. Đồng thời, thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật và các hoạt động của văn nghệ sĩ, những di sản phố cổ được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống.
Tại tọa đàm, các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thủ đô đưa ra nhiều ý kiến phân tích và khẳng định, các lĩnh vực văn học, nghệ thuật như kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn học, điện ảnh, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật… đều có đóng góp tích cực trong việc góp phần bảo tồn di sản phố cổ.
Nhà lý luận, phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến (Hội Âm nhạc Hà Nội) nhận định, thời gian qua, hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể ở khu vực phố cổ Hà Nội đã được các cấp, ngành, tổ chức, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ quan tâm. Điển hình như việc bảo tồn, tôn tạo trùng tu các nhà cổ, đình, đền với sự đóng góp của giới kiến trúc sư Hà Nội; xây dựng không gian Phố sách Hà Nội, Không gian sáng tạo nghệ thuật Phùng Hưng; tổ chức các triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật truyền thống… Đặc biệt, các loại hình ca trù, xẩm, chầu văn, múa rối, xiếc, cải lương… được thường xuyên tổ chức biểu diễn ở khu vực này. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm văn học, tranh, ảnh, âm nhạc… lấy cảm hứng từ phố cổ Hà Nội ra đời, đi vào đời sống.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai (Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, văn học, nghệ thuật đã góp phần tài hoa để lưu truyền, gìn giữ vẻ đẹp bản sắc phố cổ Hà Nội. Cụ thể, trước đây, có họa sĩ Bùi Xuân Phái với những bức tranh đề tài phố cổ đã tạo thành thương hiệu “Phố Phái”; nhiếp ảnh gia Lê Vượng có nhiều bức ảnh phố cổ Hà Nội xưa quý giá, thể hiện sự khác biệt với những khu vực khác. Nhiều bài hát hay về phố cổ Hà Nội vẫn được vang lên như “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Nhớ về Hà Nội” (Trịnh Công Sơn), “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang)… Hiện tại, các văn nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tác, tôn vinh các giá trị di sản phố cổ.
Các đại biểu đã đề xuất giải pháp thiết thực để tiếp tục phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội, như: Tổ chức triển lãm tranh, ảnh, biểu diễn nghệ thuật về phố cổ; tổ chức thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài phố cổ Hà Nội; khôi phục các nhà hát cổ trong lòng Hà Nội; thi sưu tầm văn học, dân gian về Hà Nội và phố cổ; thiết kế, tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc tại khu vực phố cổ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.