(HNM) - Đêm 14 tháng Giêng (5-2-2012), ngay sau màn dâng hương và khai ấn, cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra khi hàng ngàn người đổ vào cung Thiên Trường - Nam Định để chen nhau giành lộc đức Thánh Trần. Nhiều bạn đọc đã chia sẻ với Hànộimới về văn hóa, thái độ ứng xử nơi thờ cúng tôn nghiêm...
Cảnh chen chúc tại đền Trần, Nam Định. |
Bà Nguyễn Thị Ngà (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín): Tôi cũng có mặt tại phủ Thiên Trường vào đêm 14 tháng Giêng, nghĩ rằng năm nay không phát ấn ngay sau giờ khai ấn thì chắc sẽ không xảy ra cảnh chen lấn hỗn loạn. Nhưng tôi đã nhầm và trở thành nạn nhân của việc chen lấn. Rất nhiều nam giới khỏe mạnh đã cố tình vượt qua hàng rào sắt, trèo qua cả kiệu để mong giật được một cành hoa, nhành lộc hay vàng hương trên bàn thờ... Họ hí hửng coi đó là lộc mang về, thay vì xin được ấn như mọi năm thì cố gắng cướp được một thứ gì đó từ đồ lễ Thánh. Hành vi này đáng gọi là hỗn xược, báng bổ, thánh thần nào chứng cho. Mà ở nơi tôn nghiêm, linh thiêng còn thế (chắc chắn những người đó nghĩ là linh lắm nên cố cướp cho bằng được), ở những nơi khác thì họ ứng xử ra sao? Đây thực sự là những việc làm đáng phê phán, bóp méo tín ngưỡng...
Anh Trịnh Tuấn Tài (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy): Đến giờ phát ấn và cả ngày 6-2-2012, cảnh quan đền Trần rất quang đãng, không quá đông người, việc phát và nhận ấn diễn ra tuần tự. Như vậy có thể lý giải tình trạng hỗn loạn của giờ khai ấn đêm 14 tháng Giêng một phần xuất phát từ tâm lý đám đông. Ai cũng muốn có mặt vào giờ thiêng, thấy người khác lấy được cành lộc thì mình cũng phải có thứ gì đó mang về. Nhiều người đi lễ mà không biết đền này thờ ai, công trạng ra sao, chỉ nhăm nhăm xin cho được tài lộc bằng năm, bằng mười năm ngoái, công thành danh toại... Nhiều người chỉ đi lễ cho vui, cho bằng chị bằng em, đốt vàng mã thật nhiều, rải tiền lẻ thật lắm mà không nghĩ đến chuyện giữ thái độ đúng mực ở nơi thờ tự.
Chị Tống Quỳnh Anh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Quỳnh Anh- quận Ba Đình): Hiện nay có nhiều người đi lễ rất thực dụng, họ chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Với những đòi hỏi, ước mong ích kỷ đó, liệu có thánh thần nào thỏa mãn hết cho được? Rõ ràng nhiều phong tục, nét văn hóa tín ngưỡng đẹp ở nhiều nơi thờ tự được tiếng linh thiêng như đền Trần hay Bà Chúa Kho đang bị bóp méo, bị lạm dụng xuất phát từ tính thực dụng chỉ muốn mưu cầu danh lợi, tiền tài của chính những người đi lễ.
Ông Phạm Bá Trung (KTT Nhà máy Dệt 8-3, quận Hai Bà Trưng): Thỉnh thoảng đi lễ, ngay cả những ngôi chùa lớn ở Hà Nội, tôi cũng bắt gặp những hình ảnh khó coi như văng tục, chửi thề, quần áo cũn cỡn lố lăng, chen lấn, nam nữ có những cử chỉ suồng sã...
Những hiện tượng này gây phản cảm cho những người đi lễ nghiêm túc, làm mất tính tôn nghiêm nơi thờ tự và ảnh hưởng xấu đến thuần phong mĩ tục. Trách nhiệm bảo đảm ANTT cũng như nhắc nhở du khách chấp hành nội quy thuộc về ban quản lý, tổ chức lễ hội và các lực lượng chức năng. Nếu những lực lượng này kiên quyết với vi phạm thì chắc chắn những hạt sạn kể trên sẽ ngày càng ít đi trong đời sống văn hóa tâm linh của chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.