(HNM) - Có thể nói, các hoạt động kinh tế - xã hội đang tác động không nhỏ đến cuộc sống mỗi người; để rồi cũng bắt đầu từ đó những cuộc bàn luận nhiều chiều đang dần làm vỡ ra nhiều điều.
Các bà nội trợ, công nhân hay nông dân… có lẽ nhiều người chẳng biết chỉ số lạm phát là gì và nó ở mức một hay hai con số có ý nghĩa như thế nào, với bữa cơm thường ngày cùng những nỗi lo cho các nhu cầu thiết yếu, khiến mọi cuộc tranh luận chuyện bếp núc đôi khi cũng rôm rả khác thường.
Với bà con các tỉnh miền Trung, lại thêm một mùa lũ nữa ập về. Nước từ trời trút xuống, nước từ các đập thủy điện đổ về nhấn một dải miền Trung chìm trong biển nước. Nhưng liệu còn ai nhớ tới lời cảnh báo của các nhà khoa học khi miền Trung làm thủy điện như một "phong trào", như "niềm kiêu hãnh tự hào" của các công ty cổ phần đủ loại? Để rồi rừng đầu nguồn được phá đi mà
chứa nước, dòng chảy của các con sông phải theo ý chí của những người bỏ vốn đầu tư. Và mọi lý lẽ của các "ngài thủy điện" với các nhà khoa học, các chính trị gia lại được dịp bùng lên.
Cũng có lẽ, nhiều người dân còn chưa hiểu rõ "ông" Vinashin là ai, "ông" Bauxite làm gì, cũng chỉ biết nghe để chợt thấy chạnh buồn cho những cuộc tranh luận giữa người bảo vệ quan điểm phải làm và người phản biện chuyện nên làm thế nào.
Lắng nghe qua chương trình truyền hình trực tiếp những ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội bàn về những vấn đề lớn của đất nước, quan sát sắc thái biểu cảm của họ qua từng câu từ khúc triết mang tầm trí tuệ, mới thấm hơn cái ý thức công dân ở họ. Nhưng cũng lấy làm tiếc khi có những quan điểm, những phát biểu cũng tại nghị trường dường như "vô thưởng, vô phạt", thậm chí biện hộ cho những yếu kém trong quản lý. Rồi cũng lấy làm tiếc khi một số vị đại biểu phát biểu tại nghị trường mà cố tình nói kiểu "ăn khách". Vẫn biết đánh giá một vấn đề không dễ, nhưng cũng không phải vì cố bảo vệ quan điểm của mình mà bỏ qua quyền lợi của nhân dân, của đất nước; hoặc ngược lại cũng vì cố bảo vệ quan điểm của mình mà đả phá những gì tốt đẹp.
Trong xã hội, thảo luận, tranh luận và phản biện là cần thiết nhưng tranh luận là để tìm ra chân lý, để cùng hướng tới một mục tiêu tốt đẹp cho dân, cho nước. Vậy nên không vì thiếu lý lẽ, thiếu căn cứ khoa học và cả thiếu trình độ thì lại cứ cố nói lấy được; hoặc là vì lý do nào đó mà lại không nói thẳng sự thật. Dù là gì thì cả hai cách này đều không thể chấp nhận.
Tranh luận ở nghị trường ngoài những ý nghĩa quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh còn phải đặc biệt quan tâm đến văn hóa nghị trường. Bởi lẽ, văn hóa nghị trường sẽ làm cho các cuộc tranh luận trở nên minh bạch, công bằng và mục đích cuối cùng vì quốc kế dân sinh sẽ đạt được. Và đương nhiên, những bà nội trợ, công nhân, nông dân sẽ hiểu rằng các đại biểu xuất phát từ cuộc sống để tranh biện nhằm phục vụ những người dân bình thường như họ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.