Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng

Theo Phương Liên| 19/05/2014 10:46

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa không thể tách rời với quốc gia dân tộc, văn hóa mang tâm hồn, diện mạo dân tộc, đó chính là bản sắc dân tộc của văn hóa. Rất nhiều lần Người thường nhắc nhở phải “chăm lo đặc tính dân tộc”, “phát huy cốt cách dân tộc”, “lột cho hết tinh thần dân tộc” trong xây dựng văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Ảnh tư liệu


GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện văn hóa nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2014).

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa bế mạc đã ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa”. Đây có phải là nhận thức mới về văn hóa không thưa Giáo sư? Xin Giáo sư phân tích về tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết mới này của Đảng ta.

GS Vũ Minh Giang: Văn hóa là một phạm trù dung chứa rất nhiều nội dung và động chạm đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống. Nếu hiểu đúng ra thì văn hóa là tất cả. Hiện nay vẫn tồn tại hai quan niệm về văn hóa. Một quan niệm văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp là những gì liên quan đến quan hệ xã hội, đời sống tinh thần. Quan niệm đúng hơn, bao quát hơn thì định nghĩa văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra, không phải có sẵn trong thiên nhiên. Từ thập niên 70 của thế kỷ 20, UNESCO đã kêu gọi thế giới hiểu văn hóa theo nghĩa rộng, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Do đó nếu hiểu văn hóa là những gì thêm vào, là phụ, kinh tế mới là chính thì đã hiểu sai khái niệm văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa rất chuẩn xác từ thập niên 40 của thế kỷ 20 khi còn bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Quan niệm của Bác rất trùng với quan niệm hiện đại về văn hóa. Bác đã đưa ra một quan niệm là: Xuất phát từ những nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, con người mới nghĩ ra những phương tiện để sống - thức ăn, thức uống, đi lại… và những hình thức hưởng thụ, tất cả đều gọi là văn hóa. Đây là định nghĩa hoàn chỉnh nhất.

Văn hóa theo cách nói của Hồ Chí Minh sẽ là một “bách khoa toàn thư” về những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người. Hồ Chí Minh cho rằng “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

GS-TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VGP/Phương Liên



Với một cảm quan văn hóa trên bình diện rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Ngay từ đầu những năm kháng chiến chống Pháp (1948), Bác Hồ đã nêu một khẩu hiệu bất hủ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Như vậy, Hồ Chí Minh không những là nhà lãnh đạo chính trị, một lãnh tụ đứng đầu dân tộc mà thực chất là một nhà văn hóa lớn, trong đó, những tư tưởng về văn hóa của Người đi trước thời đại rất xa.

Thưa Giáo sư, phải làm thế nào để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy theo đúng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

GS Vũ Minh Giang: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa là linh hồn, bản sắc dân tộc.

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa không thể tách rời với quốc gia dân tộc, văn hóa trước hết là văn hóa của một dân tộc, nó mang tâm hồn, diện mạo dân tộc, đó chính là bản sắc dân tộc của văn hóa. Rất nhiều lần Người nhắc nhở phải “chăm lo đặc tính dân tộc”, “phát huy cốt cách dân tộc”, “lột cho hết tinh thần dân tộc” trong xây dựng văn hóa.

Chúng ta biết văn hóa là nền tảng của một dân tộc, người ta có thể hiểu đó là hệ gene của một dân tộc, khi mất gene đó thì dân tộc không còn nữa, và hệ gene đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một dân tộc trải qua bao thế hệ, vẫn giữ nguyên được tên gọi, bản sắc, đó là nhờ văn hóa.

Chính vì ý nghĩa đó chúng ta cần chú trọng đến lời dạy của Bác: Cái cốt lõi trong văn hóa là xây dựng con người. Tới đây, sau khi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa được ban hành thì trọng tâm phải là phát triển con người, giáo dục con người.

Với ý nghĩa này, phải đặt văn hóa cho xứng tầm, như là một thứ “soi đường để quốc dân đi”, là nền tảng cho một dân tộc. Đã có một thời gian dài chúng ta không chú ý xây dựng văn hóa theo nghĩa nền tảng của cả xã hội mà chỉ coi văn hóa là những hoạt động bề nổi: Văn nghệ, nghệ thuật… Trong khi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra điều này từ rất lâu: “Lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Theo tôi, có một khía cạnh mà tới đây ta phải rất chú trọng, đó là: Văn hóa phải được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Một lần “nhất thành bất biến” sinh ra rồi cứ thế mãi thì là một dân tộc không phát triển. Chúng ta cũng phải nhìn nhận đúng bản chất của văn hóa: Luôn giao thoa và tiếp biến. Với ý nghĩa đó, chúng ta phải có cách đối xử đúng với bản chất của văn hóa, phải có cách định hướng, giáo dục thế hệ trẻ đúng cách.

Không những vậy, phải đối xử với văn hóa như một nguồn tài nguyên đặc biệt, được cha ông để lại và chúng ta tiếp tục vun bồi, gây dựng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về điều này rất rõ, Bác luôn nói đến văn hóa như những giá trị làm giàu cho cuộc sống của ta, đem lại rất nhiều ích lợi cho cuộc sống. Rõ ràng, giờ ta nhìn văn hóa không phải là thứ gì trừu tượng nữa mà văn hóa có thể được khai thác dưới giá trị kinh tế.

Các lễ hội cũng là những sản phẩm văn hóa, các di tích cũng là những giá trị văn hóa… giờ đã được khai thác, mang lại những lợi ích cho cuộc sống hôm nay. Với ý nghĩa trân trọng những giá trị văn hóa, chúng ta phải có những giải pháp để khai thác văn hóa như một thứ tài nguyên, phải có kiến thức, có nghiên cứu, có cách thức khai thác cho đúng.

Rõ ràng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa vẫn luôn mới mẻ và mãi mãi là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta trong quá trình xây dựng “nền tảng tinh thần của xã hội”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.