(HNM) - Bất chấp cơn lốc đô thị hóa ào ạt thổi qua vùng ven đô, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín vẫn giữ được nét đẹp của một làng quê xưa. Hơn thế, các phong trào văn hóa, thể thao như Thư viện làng còn đem tới những món ăn tinh thần giàu ý nghĩa cho người dân nơi đây.
Bỏ lại sự ồn ã, tấp nập của quốc lộ 1A, men theo con đường nhỏ đưa chúng tôi về Văn Bình, một làng quê chân chất với cây đa bến nước sân đình. Làng Bình Vọng (tục gọi làng Bằng), nằm trên thế đất "quần sơn la bái"; "Bình Vọng tựa như vân tán, thế địa linh tất sinh nhân kiệt", là mảnh đất văn vật, có tới 7 tiến sĩ, hiện tên tuổi được lưu giữ ở bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã trở thành nơi hội tụ của người yêu văn hóa đọc.
Nơi đây, năm 1946 có lớp bình dân học vụ đầu tiên của cả nước. Nhằm phát huy truyền thống và đề cao văn hóa đọc, ông Dương Văn Phi, một cán bộ về hưu, đã sáng lập Thư viện làng và tập hợp sách trong dân về thư viện. Giờ đây, Thư viện làng ngày càng khang trang, trở thành nơi lý tưởng cho cán bộ về hưu, học sinh và nông dân trong xã đến tìm hiểu thông tin qua sách báo. Ông Lương Văn Tăng, là đại tá về hưu, người đang chăm lo thư viện cho biết: Nếp đọc sách của người dân Bình Vọng đã có từ xa xưa. Nhằm lưu giữ truyền thống tốt đẹp này và tăng cường dung lượng thông tin từ hiện thực cuộc sống, người dân nơi đây đã tạo ra thư viện này. Thư viện có khoảng 8.000 đầu sách với 3.000 tạp chí, báo chí các loại, 5 tờ báo hằng ngày, trong đó có Báo Hànộimới. Thư viện đã chia ra thành các loại như: Sách về chính trị, văn hóa, sách về Bác Hồ, sách về chăn nuôi, trồng trọt… tạo thuận lợi cho từng đối tượng bạn đọc. Học sinh, sinh viên thì có đủ các loại tài liệu về chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế… và ngăn truyện thiếu nhi đã và đang thu hút sự chú ý của các cháu trong làng. Mỗi năm Thư viện làng phục vụ 1,3 vạn lượt bạn đọc, trong đó 40% là người cao tuổi, 40% là học sinh, còn lại 20% là các thành phần khác.
Để tiện cho việc trao đổi thông tin rộng rãi, người dân nơi đây đã mang sách đến thư viện để mọi người dùng chung. Số sách do người dân mang đến càng nhiều và đây thật sự là một nét văn hóa đẹp. Thư viện làng đã trở thành nơi gặp gỡ giao lưu của người dân và là một kho báu vô giá, là tủ tri thức cho các cháu, các em học sinh trong làng, xã đến tra cứu, tìm hiểu thông tin. Để có được lượng đầu sách lớn như hiện nay, ngoài sự ủng hộ của chính quyền các cấp, những người dân Bình Vọng dù đi làm ăn nơi xa vẫn nhớ gửi về Thư viện làng nhiều đầu sách quý… Để bảo đảm cho việc quản lý sách, các cụ cao niên trong làng đã thay nhau thường trực, mỗi ngày phân công một nhóm khoảng 10 người lên trông nom, dọn dẹp phục vụ người dân vào đọc sách, báo. Riêng các em trong xóm, ngoài việc đọc trực tiếp trên thư viện còn có thể mượn về nhà tham khảo vào hai ngày thứ năm và thứ bảy trong tuần.
Thư viện làng Bình Vọng giờ nổi tiếng cả nước, được nhiều người biết, tìm đến học tập kinh nghiệm. Không những thế thư viện sách này còn được Thư viện Hà Nội cử cán bộ về hỗ trợ nghiệp vụ, từ việc quản lý, sắp xếp các đầu sách cho hợp lý, nhanh gọn để người đọc không tốn thời gian. "Nhờ có Thư viện làng, văn hóa đọc trong nhân dân được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, mặc dù địa phương cũng có nhiều dự án giải phóng mặt bằng nhưng vùng quê yên bình này không bị xáo động" - ông Tăng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Văn Bình nói với chúng tôi: Văn hóa đọc của thôn Bình Vọng giờ đã lan ra các thôn trong xã. Việc xây dựng Thư viện làng đã thúc đẩy phong trào học tập cộng đồng tại địa phương và cũng từ đây phong trào thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng. Từ chỗ chỉ ít người tham gia thể dục thể thao, dưỡng sinh, đi bộ, chơi cờ tướng, bóng bàn, đến nay đã trở thành phong trào rầm rộ. Cũng như phong trào quyên góp, hiến tặng sách, nhiều người dân trong làng tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập thể dục thể thao.
Hơn 10 năm hoạt động, Thư viện làng đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, con em có thêm những cuốn sách hay để trau dồi kiến thức, lớp trẻ thì đọc sách để học cách quản lý kinh tế, nông dân đọc để làm giàu… từ đó các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao làm cho Văn Bình ngày càng khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.