(HNM) - Nếu một ngày nào đó thong thả dạo quanh Hà Nội, tự nhủ mình thoát khỏi mục tiêu duy nhất là tìm cho ra một bà chủ quán nào đó đang hành khách, bạn sẽ hiểu tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà thành phong phú, hấp dẫn nhường nào.
Bài 3: Vẻ đẹp riêng quyến rũ
(HNM) - Nếu một ngày nào đó thong thả dạo quanh Hà Nội, tự nhủ mình thoát khỏi mục tiêu duy nhất là tìm cho ra một bà chủ quán nào đó đang hành khách, bạn sẽ hiểu tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà thành phong phú, hấp dẫn nhường nào.
Bạn sẽ hiểu vì sao người ta gọi Hà Nội là đất nghìn năm văn hiến, luôn có sức cám dỗ du khách đến thế? Bạn sẽ tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng về bản chất văn hóa ẩm thực Hà Nội, và có thể, ngộ ra một điều quan trọng, rằng "phở mắng cháo chửi" chỉ là hiện tượng cá biệt mà thôi.
Phở đã để lại dấu ấn trong nhiều du khách đến Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Tinh túy mà gần gũi
Cùng lang thang phố cổ với những vị khách đến Việt Nam sau quãng bay nửa vòng trái đất, Bích Ngọc, cô bạn hướng dẫn viên đã có nhiều năm kinh nghiệm nói với tôi: "Phố cổ Hà Nội luôn có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài nước. Không phải chỉ vì sự cổ kính, cảnh đẹp nổi tiếng, mà còn bởi một không gian văn hóa đặc biệt. Từ những con phố nhỏ, những ngõ, hẻm chật chội, người ta khám phá ra những món ăn đã đi vào thơ ca được bày bán trên những gánh hàng rong hay tại quán cóc vỉa hè. Chính những điều tưởng như bình dị ấy lại có sức mạnh "hút hồn" những chàng trai, cô gái phương Tây".
Trước chuyến hành trình này, Bích Ngọc đã nhận được khá nhiều lời đề nghị đặc biệt từ những vị khách Tây. Họ nói với cô, như thể đã hiểu rõ Hà Nội từ lâu lắm: "Thay vì những món đặc sản bày trong nhà hàng, khách sạn sang trọng, hãy đưa chúng tôi đến những quán ăn bình dân trong phố cổ. Chúng tôi muốn có cơ hội tận mắt khám phá cuộc sống náo nhiệt và con người nơi đây". Với một hướng dẫn viên kỳ cựu như Bích Ngọc, đây không phải là lần đầu cô được gợi ý như vậy. Cô kể với tôi một phát hiện thú vị, rằng trong sổ tay du lịch của khách nước ngoài đến Hà Nội bao giờ cũng có những cái tên như Mã Mây, Tạ Hiện, Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Mành, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Lý Quốc Sư, Lã Vọng... Họ được hướng dẫn kỹ lưỡng từ nhà, về những món ăn độc đáo của Hà Nội như phở, bánh cuốn, bún chả, nem, chả cá… đến những món "quốc hồn, quốc túy" tưởng chỉ dân bản địa mới rành như bún đậu mắm tôm, thịt chó, cháo lòng…" Tất cả được mô tả một cách cẩn thận và chi tiết. Nào bún chả Hàng Mành, chả cá Lã Vọng, nào bánh tôm Hồ Tây, thịt chó Nhật Tân… Đa số nói rằng trước khi đến đây, họ đã biết tiếng tinh hoa ẩm thực Hà thành thông qua các trang mạng, những cuốn cẩm nang du lịch, sách hướng dẫn du lịch (Guide Book) hoặc qua lời kể của bạn bè", Bích Ngọc nói.
Hành trình tham quan phố cổ giúp tôi làm quen với một chàng Tây điển trai, khá dễ gần - Crownover, lập trình viên người Mỹ đã từng hai lần đến Việt Nam. Nếu nhìn qua dáng người cao, nước da trắng và bộ trang phục chỉnh tề, người ta không thể nghĩ anh chàng người Mỹ này dân dã và "lọ mọ" đến mức nào. Suốt thời gian ở Việt Nam, anh thích đi lại bằng xích lô hoặc thong dong đi bộ trên các con phố, thích ngồi xì xụp với bát phở nóng vào buổi sáng, nhâm nhi ly cà phê nhỏ hay thưởng thức vài vại bia cỏ ở những quán vỉa hè. Với Crownover, đến Hà Nội mà chỉ ở trong khách sạn cao cấp 4-5 sao, ăn uống tại những nhà hàng sang trọng hay ngồi taxi dạo phố thì sẽ chẳng bao giờ có được những cảm nhận thú vị về mảnh đất này. Nhớ lại lần đầu đặt chân đến Hà Nội, chàng trai Mỹ rất sợ phải đi bộ ở khu phố cổ trong dòng người và xe như mắc cửi. Nhưng cái cảm giác đó nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự gần gũi, thân thiện. "Tôi bị cuốn vào những món ăn khó quên, như lạc trong những nụ cười hiền hậu của con người nơi đây. Để khám phá hết những món ăn tuyệt vời ở đây, với tôi, hai lần đến Hà Nội là chưa đủ" - Chàng lập trình viên điển trai tâm sự.
Một địa chỉ ẩm thực quyến rũ
"Người Hà Nội rất thân thiện, họ hay cười khi nói chuyện với tôi. Ở đây, tôi cảm thấy mình được chào đón", đó là tâm sự của một du khách người Ba Lan. Kilen Pawel, một anh chàng vui tính, thích bấm máy liên tục để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong suốt hành trình, nhất là khi đi giữa những con phố nhỏ trong khu phố cổ với bao sự độc đáo. Một lúc nào đó, giữa những ngõ ngách chi chít giao cắt như mạng nhện ở khu trung tâm phố cổ, Kilen Pawel đã kể lý do anh chọn Hà Nội trong hành trình tới Việt Nam. "Tôi tới đây, không phải từ những lời giới thiệu của bạn bè về cảnh đẹp, giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử Hà Nội, mà vì tò mò trước thông tin được CNN phát đi vào năm ngoái. Lúc ấy, Hà Nội được hãng thông tấn CNN bình chọn là một trong 10 địa điểm ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất Châu Á". Hóa ra, những hàng quán nhỏ bé ở Hà Nội lại là thứ "gia vị" hấp dẫn du khách nước ngoài, những người đã quá quen với tiện nghi theo chuẩn hiện đại.
Nhắc đến những hàng quán vỉa hè, có lẽ cái tên gần gũi và quen thuộc với bất cứ vị khách ngoại nào chính là phố Tạ Hiện. Được biết đến như một "phố Tây" trong lòng phố cổ Hà Nội từ lâu. Tạ Hiện, với cái "ngã tư quốc tế" nằm ngay đầu Lương Ngọc Quyến đã được đưa vào danh sách "những nơi ở Hà Nội phải đến" của du khách nước ngoài. Pawel kể về nhịp sống của phố Tạ Hiện gắn với đủ món ăn vỉa hè như một người Hà Nội thực thụ. Nào là món bún bung chỉ có vào buổi sáng, tầm giữa trưa có món bún bò Nam bộ; đến buổi chiều, du khách thêm ấn tượng với chim cút nướng mật ong. Và, nhắc đến Tạ Hiện
thì không thể không nhắc đến bia hơi vỉa hè. Vào mỗi chiều, những quán nhỏ như Cool Beer, Green Pepper… đầy ắp khách nước ngoài. Khách Việt Nam cũng thường tìm đến đây. Sự giao lưu cởi mở và thân thiện, sự pha trộn nét văn hóa nhiều vùng miền, nhiều quốc gia càng làm cho khu phố cổ Hà Nội thêm hấp dẫn.
Thưởng thức hương vị đặc trưng của phố phường Hà Nội, nhiều khách du lịch nước ngoài đã thể hiện sự hài lòng, bất chấp thực tế là cung cách phục vụ ở những quán ăn vỉa hè không thể sánh bằng nhà hàng sang trọng và những người bán hàng, do không biết ngoại ngữ nên thường phải dùng cử chỉ khiến việc giao tiếp gặp khó khăn. Nhiều người, như Pawel, nói rằng sự thú vị của Hà Nội không nằm ở hệ thống dịch vụ quy chuẩn, không phải vẻ hiện đại, lịch sự nhưng xa cách, mà chính là sự gần gũi, thân thiện và vô số món ngon, khơi gợi sự khám phá.
Suốt chuyến đi ấy, cuối cùng tôi đã không hỏi Pawel hay anh chàng lập trình viên người Mỹ rằng, họ đã đọc bài báo của phóng viên AFP về "người bán phở Hà Nội thô lỗ" hay chưa, rằng có gặp những điều tương tự trong chuyến đi này. Tôi không hỏi, bởi thấy rằng không còn cần thiết nữa. Câu trả lời đã có trong sự hài lòng của các vị khách nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.