(HNM) - Đúng như nhận định của giới phân tích quốc tế, không một chính phủ nào trong nhóm nước có nền kinh tế yếu kém của châu Âu (PIIGS - Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha) có thể
Kể từ đầu năm đến nay, các nhà lãnh đạo của Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italia đã lần lượt "rơi rụng". Ngày 21-11, Cựu lục địa lại phải ngậm ngùi nói lời chia tay mới nhất với Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero khi kết quả tổng tuyển cử trước thời hạn cho thấy đảng Nhân dân Xã hội (PSOE) của ông đã thất bại thảm hại.
Ông Mariano Rajoy, lãnh đạo đảng Nhân dân, sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Tây Ban Nha. |
Dù ông J.Zapatero đã không tiếp tục chạy đua vào ghế thủ tướng do đã hai nhiệm kỳ nắm giữ vị trí này, nhưng các cử tri vẫn không nương tay với ứng cử viên mà đảng PSOE cầm quyền chọn lựa là cựu Phó Thủ tướng Alfredo Perez Rubalcaba. Theo kết quả kiểm 99,95% số phiếu, đảng Nhân dân (PP) đối lập theo đường lối trung hữu đã giành được 45% số phiếu ủng hộ (chiếm 186 ghế trong quốc hội 350 ghế), bảo đảm nắm đa số áp đảo để thành lập chính phủ. Trong khi đó, đảng PSOE cầm quyền chỉ giành được 29% số phiếu bầu (tương đương 110 ghế).
Với Thủ tướng J.Zapatero, bầu cử sớm là một việc "cực chẳng đã" phải làm nhằm hai việc là chặn đà tụt giảm uy tín của PSOE; đồng thời có thể kiểm soát mức giảm tín nhiệm của tín dụng Tây Ban Nha. Mặc dù nền kinh tế chưa đến nỗi èo uột, lụn bại, nhưng khủng hoảng nợ công đang đe dọa trước ngõ đã khiến giới đầu tư lo lắng, mất dần tin tưởng vào Tây Ban Nha. Thực tế này quả thực trái ngược hẳn với thời điểm ông J.Zapatero thắng cử cách đây 7 năm. Khi đó, nền kinh tế Tây Ban Nha đang hưng thịnh nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản phát đạt, tăng trưởng luôn ở mức cao. Chiếc ghế thủ tướng bắt đầu có dấu hiệu lung lay ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2008 do tác động dữ dội từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự tụt dốc không phanh của nền kinh tế đã bất ngờ làm đảo lộn mọi dự đoán về tương lai chính trị tại Tây Ban Nha chỉ vài tháng sau bầu cử. "Thủ phạm" chính là ngành kinh doanh bất động sản - lá cờ đầu của kinh tế Tây Ban Nha, chiếm đến 18% GDP. Từ đây, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ 9% năm 2008 lên 20% vào cuối năm 2010, và hiện nay tỷ lệ đó đã tăng lên trên dưới 21%. Số nợ công tuy không cao như các quốc gia khác trong PIIGS nhưng cũng gia tăng với tốc độ đáng báo động, vào khoảng 700 tỷ euro, dự kiến tương đương 67% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay.
Theo các nhà phân tích, cùng với những tàn dư của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, sự điều hành yếu kém của nhiều quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tạo ra vũng lầy tài chính ở Lục địa già. Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, tránh châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới, căn bệnh "viêm màng túi" của Eurozone vẫn chưa tìm được liều thuốc đặc trị, thậm chí còn được dự báo đang ở vào giai đoạn nguy hiểm hơn. Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) với số tiền khiêm tốn 440 tỷ euro xem ra không thấm vào đâu so với núi nợ lên tới hàng nghìn tỷ euro của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Đó là còn chưa kể tới "chúa chổm" Italia và Tây Ban Nha. Hiện tại hai quốc gia này vẫn đang cố "tự lực cánh sinh", tuy nhiên, nếu mất khả năng thanh toán thì hậu quả sẽ khôn lường bởi quy mô kinh tế Italia gấp 3 lần Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gộp lại, còn Tây Ban Nha cũng lớn gấp đôi. Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khó mà kham nổi khoản nợ công lên tới 1.900 tỷ euro của đất nước hình chiếc ủng và 700 tỷ euro của xứ sở Bò tót.
Vì thế, sự ra đi của các nhà lãnh đạo thuộc nhóm PIIGS dù phần nào giúp giải tỏa được tâm lý lo ngại của dư luận và thắp lên tia hy vọng mới, song cuộc đổi ngôi hàng loạt trên chính trường chưa thể khẳng định là giải pháp hữu hiệu để có thể đưa các nền kinh tế châu Âu ra khỏi cơn bão khủng hoảng hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.