Vòng 7 có đến 25 bàn thắng được ghi, trung bình 3,57 bàn/ trận, nhìn đâu cũng thấy “siêu phẩm”, có vẻ như sân khấu giải chuyên đang đáng xem lên.
Ngẩn ngơ xem video clip cơn mưa bàn thắng
Đây là vòng đấu mà số bàn thắng nhiều nhất kể từ đầu giải đến này (vòng 1- 20 bàn, 2- 15, 3- 24, 4- 20, 5- 18, 6- 14, 7- 25). Có 3 cặp đấu hòa cùng tỷ số 2-2: V.HP-SLNA, K.KH- Sài Gòn FC, V.Ninh Bình-HN.T&T. Trận đấu CLB bóng đá HN-SHB.ĐN kết thúc với tỷ số 3-3. TĐCS.ĐT hòa B.BD 0-0. N.SG thắng Thanh Hóa 2-0.
Cuộc chạm trán Hà Nội-SHB.ĐN được xem là một trong những trận đấu hấp dẫn nhất vòng 7. |
Như thế, ngoài thất thủ một chiều của Thanh Hóa, đa số các trận đấu đều nhiều bàn thắng với những cuộc rượt đuổi tỷ số ngoạn mục. Đến như TĐCS.ĐT cũng đã chơi ấn tượng, quyết liệt để rồi khiến thầy trò HLV Đặng Trần Chỉnh chỉ rời Cao Lãnh với một điểm.
Rõ ràng, cơn mưa bàn thắng đã phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực của các đội. Hay nói cách khác, các đội đã tập trung đá bóng nhiều hơn, những màn rượt đuổi nghẹt thở. Ngồi xem lại các video clip số bàn thắng ở vòng 7, thật ngỡ ngàng bởi số lượng bàn thắng đẹp quá nhiều. Pha san hòa tinh tế 1-1 của Công Vinh, sau 2 đường chuyền chớp nhoáng của Thành Lương và Timothy. Cú đá nối thần sầu (san hòa 1-1) của Fagan (V.HP) vào lưới SLNA. Tương tự, Đình Tùng cũng có một cú đánh đầu tuyệt vời, đầy cảm xúc, mang về cho anh niềm vui, cứu cho đội chủ sân Lạch Tray thoát khỏi trận thua.
Trên sân Ninh Bình, khởi đầu cho buổi chiều đầy hứng khởi là bàn thắng bằng đầu uy dũng của Samson, sau cú tạt bóng như siêu phẩm của Hồng Tiến bên cánh trái. Cú sút phạt bằng chân trái nâng tỷ số lên 2-1 của Mota được coi là đẹp nhất của vòng 7, khi vị trí quá khó để làm tung lưới thủ môn Dương Hồng Sơn. Thế mà, Hồng Sơn đã bị biến thành chú hề, sau đường đi hình quả chuối của trái bóng từ mu trong bàn chân Mota. Phải đến phút 90, Gonzalo mới san bằng tỷ số 2-2 cho HN.T&T, cũng là bàn thắng bằng đầu cực đỉnh. Rồi bàn thắng sau cú sút phạt của Văn Trương (HA.GL) trên sân Kiên Giang chẳng khác một tác phẩm nghệ thuật...
Bóng đá đẹp nảy mầm?
Chúng ta đều biết, để ghi được nhiều bàn thắng ở sân cỏ nội địa lâu nay là chuyện không đơn giản. Lý do thì nhiều, như các đội vì áp lực thành tích đè nặng nên đá quá cẩn trọng, với phương châm thà không ghi được bàn chứ không chịu thủng lưới. Mặt khác, lối đá bạo lực đã khiến cho các chân sút không có đất diễn. Sân cỏ ta không thiếu những đôi chân dị thường. Chỉ tiếc rằng, chẳng mấy ai dám làm xiếc với quả bóng. Lý do, anh ta thừa hiểu rủi ro mang đến cho bản thân rất cao nếu chơi bóng kiểu “rang lạc”. Các HLV cũng chú trọng xây dựng lối chơi đơn giản, thực dụng hơn. Ví như SHB.ĐN, phương châm của Huỳnh Đức không cần cao siêu, bóng cứ câu thẳng vào trung lộ cho Merlo sử dụng cái đầu trứ danh. Thế mà vòng này, 2 bàn thắng của Merlo vào lưới CLB bóng đá Hà Nội đều khởi phát từ những pha dàn xếp trung lộ cực đẹp.
Bóng đá là sân khấu 4 mặt, dấu ấn tích cực hay xấu xí khó có thể qua mắt được dư luận. 3 vòng đấu gần đây, bạo lực đã đỡ hơn rất nhiều, cả trên sân lẫn khán đài. Đồng nghiệp tấm tắc xuống sân Lạch Tray đúng là được tắm mình trong lễ hội bóng đá. Tổng số khán giả 58.500 người (vòng 7), trung bình: 8.357 người/trận là con số khả quan, chứng tỏ số lượng trận đấu hay nhiều lên đã kích thích khán giả đến sân. Cũng đã có 4 thẻ đỏ được rút ra vòng 7 nhưng chỉ một cái là trực tiếp, còn lại đều 2 thẻ vàng. Đã có lăn tăn trọng tài trận SHB.ĐN-CLB bóng đá Hà Nội, hình ảnh đó không thể xóa hết nỗ lực chung của đội ngũ cầm cân nảy mực. Họ đã làm tốt lên, đặc biệt đã bớt “run” trước những pha vào bóng bạo lực.
Đường đua vẫn còn dài, đầy những rủi ro, nhưng nếu giải chuyên nghiệp thể hiện nét tích cực như ba vòng đấu qua 7, cũng có thể hy vọng về cuộc chấn hưng sân cỏ nội địa.
Biết đâu đã có một sự thay đổi về nhận thức của những người đang tham gia địa hạt bóng đá?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.