(HNM) - Câu chuyện đào tạo luật sư đã đặt ra từ lâu và trở nên "nóng hổi" khi Bộ Tư pháp đề ra Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 với 150 luật sư đẳng cấp quốc tế, 18.000-20.000 luật sư hành nghề chuyên sâu, tương đương tỷ lệ một luật sư/4.500 người dân. Hàng loạt vấn đề đặt ra giữa mục tiêu phát triển và thực tại đã được nhiều chuyên gia pháp luật mổ xẻ.
Phát triển theo hướng chuyên nghiệp
Lý giải về mục tiêu phát triển nghề luật sư đến năm 2020 với 150 luật sư đẳng cấp quốc tế; 18.000-20.000 luật sư hành nghề chuyên sâu, tương đương tỷ lệ một luật sư/4.500 người dân, Bộ Tư pháp cho biết, những con số trên được xây dựng từ thực trạng đào tạo, sử dụng và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2020, tỷ lệ gia tăng số lượng doanh nghiệp… Hiện số lượng luật sư phát triển chưa cân đối. Nơi tập trung nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh, kế đó là Hà Nội và các khu vực thành thị. Các đoàn luật sư tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La chỉ có 4-10 người, không đáp ứng đủ nhu cầu pháp lý của người dân. Khi tham gia tố tụng, đội ngũ này còn thiếu kỹ năng hành nghề cũng như ứng xử, khó đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Những tranh chấp thương mại mang tính quốc tế thời gian qua đều phải đi thuê luật sư nước ngoài.
Các luật sư trao đổi với sinh viên luật trong buổi giao lưu “Nghề luật sư - vinh quang và thách thức”. |
Ngoài ra, hoạt động nghề luật sư chưa chuyên nghiệp, vì 20% số luật sư còn kiêm nhiệm nhiều việc. Đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong các mảng đầu tư, kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, hàng hải, bảo hiểm, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế...) còn đang trong quá trình hình thành.
Thay mặt Ban Soạn thảo dự thảo Chiến lược phát triển nghề luật sư giai đoạn 2020, Vụ phó Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn cho biết, định hướng chiến lược thời gian tới là phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp. Ở những địa phương khó khăn nhất cũng có khoảng 30 đến 50 luật sư.
Các tổ chức hành nghề sẽ được chuyên môn hóa theo lĩnh vực. Từng luật sư sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng hành nghề, đạo đức ứng xử nghề nghiệp, ngoại ngữ. Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ luật sư chất lượng cao, am hiểu pháp luật, thương mại và tập quán quốc tế. Theo đó sẽ có khoảng 1.000 luật sư được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 150 luật sư chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế.
Thay đổi mang tính hệ thống
PGS-TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu nhà nước pháp luật cho rằng, mối liên hệ giữa "Quan điểm định hướng, mục tiêu phát triển" và "Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện" chưa thống nhất. Trong khi đó, các giải pháp vẫn còn mờ nhạt, vậy mà mong muốn về số lượng luật sư được đào tạo của Bộ Tư pháp lại quá lớn. Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng chưa được nêu trong dự thảo chiến lược dù đó là vấn đề "mấu chốt" để hoạt động.
Cùng chung quan điểm này, GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật - Ủy ban MTTQ Việt Nam nêu ý kiến "cần làm rõ thực trạng luật sư hiện nay như thế nào? Bao nhiêu người hoạt động thực chất hay chỉ lấy danh nghĩa? Đồng thời nên đánh giá chất lượng nội tại của đội ngũ luật sư hiện nay, cân nhắc kỹ các mục tiêu đề ra về định lượng vì tính khả thi chưa cao".
Theo GS Lưu Văn Đạt, hiện nay chúng ta chưa có một luật sư nào đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong khi đó thời gian đào tạo một luật sư đạt chuẩn quốc tế phải mất hàng chục năm. Như vậy, mục tiêu đến năm 2020 phải có 150 luật sư đạt chuẩn quốc tế khó có thể đạt được.
Những đóng góp trên rất đáng được Ban Soạn thảo cân nhắc tính toán. Xét cho cùng, xây dựng chiến lược phát triển nghề luật sư là nhằm tạo cơ chế và môi trường cho nghề luật sư phát triển tốt hơn chứ không phải áp đặt chỉ tiêu. Thực tế, để có một luật sư đúng nghĩa thì cần một quá trình "học nữa, học mãi". Bởi vậy, mục tiêu phát triển luật sư không quan trọng bằng việc thay đổi về cả một hệ thống, từ phương pháp đến chất lượng đào tạo để nâng cấp chất lượng đội ngũ này.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Lê Thị Bình Minh: "Nếu căn cứ vào số lượng sinh viên học luật ra trường hằng năm để tính toán thì mục tiêu chiến lược có vẻ hợp lý. Nhưng nghề luật sư lại là nghề tự do, còn bị chi phối bởi các cơ quan tố tụng và những điều kiện khác nữa. Không thể đưa ra một con số cứng nhắc, có phần duy ý chí để phấn đấu làm theo. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau Lê Công Nghiệp: Xét yếu tố về quỹ thời gian đã thấy không ổn. Trong gần 20 năm qua, chúng ta mới chỉ có được khoảng 6.000 luật sư. Từ nay đến năm 2020 còn 10 năm nữa thì làm sao phát triển được hơn gấp đôi, gấp ba số lượng hiện có. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.