Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề "nóng" của giới trẻ: Thiếu kỹ năng sống

Vân Nga| 12/06/2010 07:39

(HNM) - Trong bức tranh tổng thể từ cuộc điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (gọi tắt là SAVY 2) mới được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đưa ra đầu tháng 6 cho thấy, giới trẻ Việt Nam luôn kỳ vọng vào tương lai, tự tin, đánh giá cao bản thân, thấy mình có ích với gia đình, có vai trò trong xã hội.

Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm tư vấn sức khỏe sinh sản cho nam giới trên địa bàn. Ảnh: Thái Hiền


Những chuyển biến

Điều tra SAVY 2 được tiến hành với 10.044 vị thành niên và thanh niên (VTN/TN) hiện đang sống cùng gia đình trong phạm vi cả nước dưới nhiều góc cạnh cuộc sống, như: Giáo dục, việc làm, tình trạng sức khỏe - SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD), sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, bạo hành gia đình... Vấn đề được các chuyên gia nhấn mạnh là quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân hiện nay là 9,5%, tăng 2% so với kết quả điều tra của năm 2003. Trong đó nam thanh niên đã từng có QHTD trước hôn nhân là 13,6%, cao gấp hơn 2 lần so với nữ (5,2%). Tuy nhiên, tuổi QHTD lần đầu trung bình của thanh niên có xu hướng giảm từ 19,6 tuổi xuống còn 18,1.

Nhận định về vấn đề này, TS Vũ Mạnh Lợi - Viện Xã hội học cho biết, thanh niên ngày nay tỏ ra cởi mở hơn về QHTD trước hôn nhân. Nếu ở độ tuổi 14-17 có rất ít người QHTD trước hôn nhân thì ở độ tuổi 18-21 có tới 14,8% nam và 2,1% nữ. Chính điều này làm "nóng" lên hai vấn đề mà VTN/TN phải đối mặt, đó là nguy cơ cao mang thai ngoài ý muốn, tình dục không an toàn. Trong khi hiện nay số ca tử vong ở sản phụ hoặc thủng tử cung, băng huyết, tổn thương tử cung… do nạo phá thai ngày càng cao.

Điều vui mừng duy nhất thể hiện qua kết quả cuộc điều tra là thanh, thiếu niên cũng đã có hiểu biết hơn về các biện pháp an toàn tình dục và nhất là thái độ dùng bao cao su (BCS) tích cực hơn nhiều. Và cho dù mọi quan niệm về tình dục đã cởi mở hơn nhưng QHTD với người mua, bán dâm trong VTN/TN nói chung ở cuộc điều tra này là không đáng kể.

Cần giáo dục kỹ năng sống
Theo các chuyên gia, cho dù một bộ phận VTN/TN có lúc còn có cảm giác tự ti, thất vọng, chán chường về tương lai nên đã sử dụng chất gây nghiện (60,5% nam, 22% nữ cho biết từng say rượu, bia)… song nhìn chung, họ vẫn lạc quan về cuộc sống tương lai. Bà Trần Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, mặc dù còn có những hiện tượng VTN/TN vi phạm pháp luật, phóng túng, bạo lực... nhưng đó chỉ là tỷ lệ nhỏ, không thể quá ảnh hưởng tới 2,4 triệu VTN/TN Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia đều cho rằng, VTN/TN có những năng lực, ý tưởng, nhiệt tình, khát vọng và tiềm năng vô tận, họ là tài sản và nguồn lực quan trọng của quốc gia và là thế hệ kế cận. Vì vậy, họ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và sống trong môi trường thuận lợi để trở thành người trưởng thành khỏe mạnh. Theo TS Vũ Mạnh Lợi, hiện nay sống trong điều kiện tốt hơn rất nhiều nên có biểu hiện tích cực trong các lĩnh vực của cuộc sống như giáo dục, tiếp cận thông tin về SKSS nhưng vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, đặc biệt là thiếu kỹ năng sống - mà những vấn đề này hiện nay chưa được chú trọng dạy trong các trường học.

Vì thế, giải pháp hữu hiệu nhất được đưa ra là các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi VTN/TN cần chú ý nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống, cần thảo luận, trao đổi nhiều hơn về các chủ đề quan trọng như: tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS và các vấn đề SKSS khác. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm hơn tới việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh; ngành y tế cũng góp sức bằng việc đẩy mạnh, đổi mới hình thức truyền thông DS-KHHGĐ, nhất là cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp cho VTN/TN tránh có thai sớm, nạo phá thai không an toàn và phòng lây bệnh qua đường tình dục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề "nóng" của giới trẻ: Thiếu kỹ năng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.