(HNM) - Ngày 1-5 năm nay được đón chờ hơn mọi năm không chỉ bởi đó là Ngày Quốc tế Lao động, mà vì bắt đầu từ ngày này sẽ thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng.
Quả thực, thời điểm này, có xách làn đi chợ mới cảm thông được với cái khó của người nội trợ, và thấm thía tác động của việc "ăn theo" giá điện, giá xăng và giờ là ăn theo tăng lương tối thiểu mạnh đến mức nào. Tại các chợ trên địa bàn thành phố những ngày cuối tháng 4, hầu hết giá các loại thực phẩm: rau, củ, quả đều tăng 20-40%; thịt bò, thịt lợn tăng 30%; cá, đồ hải sản tăng 20-25% so với một, hai tuần trước...
Việc điều chỉnh tăng lương lần này không được nhiều công chức, viên chức nhà nước hồ hởi đón nhận bởi lương tăng không theo kịp đà tăng giá, khó bảo đảm được mục tiêu nâng cao mức sống. Lương tăng thì có kế hoạch, lộ trình, còn giá tăng thì cứ bất thường, không thể lường trước. Đó là thực tế cần phải được xem xét, tìm ra căn nguyên. Rõ ràng, đối với đa số người lao động, viên chức làm công ăn lương, thu nhập bình quân tăng lên sẽ không có ý nghĩa nếu việc tăng giá vẫn luôn rình rập. Và như vậy, các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chính sách xã hội của Nhà nước không thể triển khai thực hiện có hiệu quả trong đời sống xã hội được. Đó mới là vấn đề mấu chốt.
Thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, các cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, chính quyền từ trung ương đến địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn việc tùy tiện tăng giá, nạn đầu cơ, "té nước theo mưa"... và đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để cán bộ, công chức, người lao động thật sự vui mừng mỗi khi được tăng lương, các nhà quản lý, cơ quan chức năng cần có những biện pháp, hành động thiết thực hiệu quả hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.