Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề là thời điểm và cách làm

Tư Đô| 09/06/2010 07:24

Thống nhất chủ trương, nhưng vẫn lo về vốn và tác động xã hội (HNM) - Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (ĐSCT) có số vốn đầu tư rất lớn, được coi là

* Thống nhất chủ trương, nhưng vẫn lo về vốn và tác động xã hội
(HNM) - Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (ĐSCT) có số vốn đầu tư rất lớn, được coi là "siêu dự án", vì vậy thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Xung quanh dự án này cũng vì thế còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí trái chiều. Tại diễn đàn Quốc hội ngày 8-6, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích và đánh giá bước đầu về tính khả thi của dự án.

Shinkansen N700 - chiếc tàu cao tốc thế hệ mới nhất của Nhật Bản.


Cần thiết phải triển khai dự án
Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, thay mặt Chính phủ đọc báo cáo giải trình bổ sung về dự án ĐSCT Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đây là báo cáo giải trình mới nhất, được bổ sung sau khi Chính phủ tiếp tục tham khảo ý kiến chuyên gia, lắng nghe báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu. Báo cáo này được nhiều đại biểu đánh giá cao vì đã tiếp thu và làm rõ nhiều băn khoăn của cử tri cũng như đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Lương Phan Cừ (đoàn Đắc Nông), Trần Tiến Cảnh (đoàn Hà Nam) hoan nghênh về chất lượng của báo cáo giải trình. Nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất về chủ trương đối với việc cần thiết phải triển khai dự án. Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng), Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận) nêu rõ ưu điểm của giao thông đường sắt là an toàn, khối lượng vận chuyển lớn, diện tích đất chiếm dụng nhỏ so với đường bộ, tiêu hao năng lượng thấp hơn nhiều so với đường không, đường bộ. Trong khi đó, hệ thống đường sắt của nước ta hiện nay đã quá lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, do vậy nhất thiết phải hiện đại hóa.

Ông Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh):
“Quan trọng là thời điểm và cách làm phù hợp”

Có thể lường trước được những tác động của xã hội đến dự án... Nhưng phải đánh giá lại sự phân bố dân cư và phải lưu ý ĐSCT có rất ít ga ở giữa, nên có xu hướng phát triển mạnh ở đầu và cuối của tuyến đường. Việc di dời dân là một vấn đề và theo tôi nên ưu tiên tái định cư tại chỗ các khu vực GPMB, tức là chỉ di dời trong một phạm vi hẹp và chỉ nên triển khai trong phạm vi vài kilômét... Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam cần có ĐSCT, nhưng quan trọng là vào thời điểm nào thì bắt đầu làm và làm bằng cách nào là phù hợp? Có một điểm quan trọng cần tham khảo là hiện nay có 11 quốc gia trên thế giới có ĐSCT nhưng họ đều tự làm, có nước chỉ chuyển giao công nghệ và tự làm. Với cách làm đó, tuy chi phí đắt nhưng chi phí đó nằm lại đất nước của họ, khác với việc chúng ta thuê toàn bộ từ tư vấn, giám sát, thi công, thiết kế và thiết bị...

Thành Tâm

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, để bảo đảm phương thức vận tải bánh sắt trở thành chủ đạo và bền vững, có tính dài hạn, cần phải đầu tư mang tính đột phá, đi thẳng vào phương thức vận tải đường sắt hiện đại, quy mô lớn. Bởi nhu cầu đi lại sẽ ngày càng tăng và ĐSCT sẽ trở thành lựa chọn của nhiều người. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án còn góp phần tạo việc làm, kích thích một số ngành kinh tế phụ trợ. Nhấn mạnh về vai trò của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lương Phan Cừ (Đắc Nông), Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) còn cho rằng dự án này là rất cần thiết, nếu không muốn nói là đến nay đã triển khai chậm so với yêu cầu thực tế... Với lập luận như trên, các đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương về việc triển khai dự án tại kỳ họp lần này hoặc kỳ họp gần nhất sắp tới và quá trình thực hiện dự án cần rút ngắn để ĐSCT nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Vẫn là nỗi lo về vốn và những tác động xã hội

Bên cạnh việc bày tỏ sự đồng thuận về chủ trương đối với dự án ĐSCT, nhiều đại biểu chưa hết băn khoăn và yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ những yếu tố liên quan để dự án bảo đảm sự hài hòa, đem lại lợi ích dân sinh cũng như hiệu quả kinh tế. Trong số những băn khoăn đó, nỗi lo về nguồn vốn vẫn là chủ yếu. Các đại biểu Nguyễn Trung Nhân (đoàn Cần Thơ), Lê Thị Dung (đoàn An Giang), Nguyễn Hữu Phường (đoàn Bến Tre)... lo ngại, với việc huy động vốn quá lớn cho dự án này, nhiều dự án khác có liên quan gần gũi đến những vấn đề an sinh còn đang dang dở sẽ bị ảnh hưởng, có khi phải "hy sinh".

Các đại biểu Sùng Thị Chư (đoàn Yên Bái), Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) lo ngại vốn đầu tư lớn hơn 56 tỷ USD liệu có tăng thêm dư nợ chính phủ nhiều không và vốn vay từ nguồn ODA không phải lúc nào cũng tốt, vì phải ràng buộc nhiều điều bất lợi. Về sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh), Nguyễn Trung Nhân (đoàn Cần Thơ), Mai Thị Ánh Tuyết và Lê Thị Dung (đoàn An Giang) cho rằng, chưa "nội địa hóa" được việc xây dựng dự án sẽ làm giảm hiệu quả về mặt tạo việc làm, thúc đẩy ngành sản xuất liên quan vì việc sử dụng nhân công có hàm lượng kỹ thuật cao vẫn phải "nhập khẩu", việc sử dụng công nghệ, vật liệu phụ thuộc vào nhà thầu. Một số đại biểu khác cũng đồng tình với băn khoăn này khi cho rằng ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng thể hiện việc phụ thuộc vào nhà tư vấn, thẩm định của nước ngoài với chi phí quá cao so với các dự án khác, đồng thời mất tính khách quan trong thẩm định, tư vấn, thiết kế...

Cho rằng chưa hoàn toàn chủ động trong việc tư vấn, thẩm định dự án, các đại biểu chỉ ra một số điểm Chính phủ cần tiếp tục làm rõ để dự án tăng tính thuyết phục và khả thi. Đại biểu Sùng Thị Chư (Yên Bái), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) quan tâm tới đời sống của 16.529 hộ gia đình phải di cư, tái định cư, trong đó trên 9.480 hộ bị mất đất sản xuất, tổng số chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 34 nghìn tỷ đồng. Đây là vấn đề rất lớn được nhân dân và xã hội rất quan tâm. Một yếu tố kỹ thuật liên quan được đại biểu Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) nêu lên là trong dự án không thấy đề cập đến các hạng mục thi công cầu vượt và hầm chui. Đại biểu cho rằng ĐSCT phải mất hàng nghìn cầu vượt và hầm chui, lại thêm hàng rào hai bên với chi phí ngót nghét gần 10 tỷ USD, yếu tố đó phải được đưa vào dự án...

Tóm lại, về chủ trương, phần lớn đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận cho rằng xây dựng ĐSCT là việc làm cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Do vậy, các đại biểu cho rằng về chủ trương, Quốc hội hoàn toàn có thể thống nhất. Tuy nhiên, do đây là một dự án lớn về nguồn vốn, hiệu quả tác động đòi hỏi thời gian lâu dài nên các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan, có thông tin kịp thời để cử tri và đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Từ ngày 10 đến 12-6, Phó Thủ tướng Thường trực và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Theo thông tin từ Đoàn Thư ký Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, trong các ngày 10, 11 và sáng 12-6, Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ Kỳ họp thứ sáu đến nay và tiến hành các phiên chất vấn thành viên Chính phủ. Bộ trưởng - Chủ nhiệm VP Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Tài chính, GTVT, NN&PTNT, Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ cùng với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn các vấn đề mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo tổng hợp của Chính phủ, câu hỏi của các đại biểu tập trung nhiều đến những vấn đề kinh tế - xã hội; một số vấn đề cụ thể là trách nhiệm của những người có liên quan về công tác bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, vấn đề nợ công... Nhiều câu hỏi đã được gửi cho Bộ trưởng Bộ Công thương và bộ này sẽ trả lời. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng sẽ giải trình thêm những vấn đề liên quan đến Bộ Công thương. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để bàn về công tác nhân sự, trong đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét vấn đề nhân sự liên quan đến chức danh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề là thời điểm và cách làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.