Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề là phải dám chơi tới cùng!

Minh Quang| 29/01/2012 07:34

(HNM) - Trong các VĐV Việt Nam giành vé chính thức đến Olympic 2012, ngay từ lúc này đã cần đặt ra vấn đề đầu tư cho nhóm có khả năng đoạt huy chương. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) đã chia sẻ những ý nghĩ của mình về đường hướng đầu tư cho các VĐV đến Olympic 2012.

- Trong các VĐV Việt Nam đã giành vé đến Olympic 2012 kỳ này, hy vọng đoạt huy chương đặt lên vai ai, thưa ông?

- Trước hết phải nói rằng, việc giành được vé tham dự Olympic của các VĐV Việt Nam đều rất đáng trân trọng. Rõ ràng, các môn thể thao có VĐV dự Olympic 2012 đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, nhất là thể dục dụng cụ, bắn súng và phần nào là bơi lội. Tuy vậy, khi tới đấu trường Olympic, ngoài mục tiêu vượt qua chính mình thì mục tiêu đoạt huy chương cũng được đặt ra. Thể thao Việt Nam đã từng giành huy chương tại Olympic nên có đặt ra mục tiêu giành huy chương cũng không phải vô lý. Vấn đề là phải xem trong số các VĐV Việt Nam dự Olympic 2012 có ai đã vươn lên tầm thế giới. Hiện tại mới có ba người là Trần Lê Quốc Toàn của cử tạ, Phan Thị Hà Thanh của thể dục dụng cụ và Nguyễn Tiến Minh của cầu lông.

Phan Thị Hà Thanh liệu có giành huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam?

- Trong số ba VĐV trên, ông kỳ vọng vào ai nhất?

- Có lẽ nên trông vào Trần Lê Quốc Toàn và Phan Thị Hà Thanh. Còn Nguyễn Tiến Minh tuy trong Top 10 thế giới nhưng phong độ không ổn định. Không kể, các trận đấu cầu lông luôn có những yếu tố khó lường. Trong khi đó, Trần Lê Quốc Toàn và Phan Thị Hà Thanh phát triển ổn định trong suốt thời gian qua. Điều quan trọng nhất là giữ đà phong độ cho họ cũng như giữ không bị chấn thương. Đặc biệt là Trần Lê Quốc Toàn thi đấu ở môn có thể cân đong đo đếm được nên có thể dự báo thành tích khá chuẩn xác. Hiện tại cậu ấy đang xếp hạng ba thế giới, hạng 56kg nam nên đây vẫn là cửa giành huy chương Olympic "sáng" nhất của thể thao Việt Nam.

- Nói riêng về Phan Thị Hà Thanh, cơ hội đua tranh huy chương của Hà Thanh tại Olympic 2012 sẽ ra sao, thưa ông?

- Sẽ rất khó khăn. Nên nhớ tại Giải vô địch thế giới, Phan Thị Hà Thanh đoạt HCĐ cũng bởi một VĐV người Đức hàng đầu thế giới không thành công ở bài thi có độ khó hơn hẳn bài thi của Hà Thanh. Nói thế để thấy rằng dù đoạt HCĐ nhảy ngựa tay chống tại Giải vô địch thế giới nhưng không có nghĩa rằng tới Olympic 2012, Phan Thị Hà Thanh sẽ dễ dàng giành huy chương. Trong thể dục dụng cụ, ngoài sự ổn định thì độ khó trong các bài thi lại là yếu tố quyết định để xác định VĐV đó có giành huy chương hay không. So về độ khó trong các bài thi, Phan Thị Hà Thanh chưa phải ở nhóm đầu thế giới. Nếu các VĐV hàng đầu thế giới tìm được sự ổn định trong các bài thi có độ khó cao nhất của mình thì không có nhiều cơ hội cho Phan Thị Hà Thanh. Cho nên muốn ganh đua huy chương thì các HLV và Hà Thanh chỉ còn cách nâng độ khó bài thi từ lúc tập luyện.

- Vậy điều kiện tập luyện tại Việt Nam có đáp ứng được việc này không?

- Không thể đáp ứng được vì hiện tại ngoài dụng cụ thi đấu chúng ta không có đầy đủ dụng cụ bổ trợ. Tập luyện trong điều kiện như vậy sẽ rất khó để đạt thành tích tốt nhất tại một đấu trường lớn như Olympic.

- Và như vậy, các VĐV sẽ phải đi tập huấn nước ngoài?

- Không còn cách nào khác. Trong thời điểm này, nên chọn những quốc gia phát triển nội dung trên. Có thể là Nga, Belarus, Đức hoặc Nhật Bản. Theo tôi, đấy là những quốc gia có thể giúp Hà Thanh tiến thêm một bậc về đẳng cấp bởi ở đó có những HLV cực giỏi, điều kiện tập luyện tối ưu và VĐV được tạo điều kiện tập luyện. Sáu tháng tập huấn cùng một HLV nội và một chuyên gia nước ngoài là vừa đủ.

- Nhưng kinh phí tập huấn sẽ không ít…?

- Ước tính một chuyến tập huấn như vậy từ khoảng 150.000 USD đến 200.000 USD. Đây là khoản kinh phí không nhỏ với thể thao Việt Nam. Được biết, trong năm 2012 điền kinh là bộ môn được Tổng cục TDTT cấp nhiều kinh phí nhất, cũng chỉ đến 150.000 USD. Nhưng muốn có thành tích, nhất là tại Olympic, không thể rụt rè trong chi tiêu. Trường hợp Hoàng Anh Tuấn tại Olympic 2008 là điển hình. Nếu lúc ấy, bộ môn không mạnh tay đầu tư cho Tuấn đi tập huấn dài hạn ở Bulgary thì cậu ấy sẽ khó đoạt HCB tại Olympic 2008. Trường hợp Hoàng Anh Tuấn có thể là ví dụ để lãnh đạo ngành, bộ môn quyết định mức đầu tư cho các VĐV có khả năng giành huy chương Olympic như Phan Thị Hà Thanh hay Trần Lê Quốc Toàn. Vấn đề ở đây là họ phải dám chơi, thực sự quyết đoán và chấp nhận rủi ro khi đầu tư cho VĐV.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề là phải dám chơi tới cùng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.