Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề là phải có “ăng-ten” văn học!

Phương Nam| 13/02/2013 07:07

(HNM) - Nhắc đến nhà thơ Thanh Thảo là nhắc đến một "ông vua trường ca" trong làng thơ Việt Nam đương đại. Ông vừa lập "cú đúp" giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (Hội NVVN) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2012 dành cho tập "Trường ca chân đất". Xuân mới Quý Tỵ, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ với PV Hànộimới câu chuyện về thi ca cũng như tác phẩm của ông.

- Thưa ông, trước khi nói về “Trường ca chân đất”, ông có thể giải mã chút ít về thi phẩm của mình, như người ta nói là hình như ít nhiều đều có không khí chiến tranh?

- Nếu tất cả tác phẩm thơ của tôi đều có không khí chiến tranh thì chắc tôi… ngỏm lâu rồi (cười). Chiến tranh là một hoàn cảnh đặc biệt mà đất nước, dân tộc bị buộc phải trải qua. Khát vọng sống của con người là hướng tới hòa bình chứ không phải chiến tranh. Thơ ca là của hòa bình.

Thơ tôi hướng tới sự khôi phục những giá trị đã mất mát, những hình ảnh bị lãng quên, nhằm hàn gắn những ký ức bị thương tích, hay nói như nhà văn Thái Bá Lợi là “trùng tu ký ức”. Trên tinh thần đó, nếu trong chiến tranh tôi làm thơ từ vị trí và góc nhìn của một người lính bình thường, thì thơ sau chiến tranh của tôi là những khắc khoải, giằng xé, đau đớn hay yêu thương từ chỗ đứng, như nhà thơ Trần Vàng Sao trong bài thơ nổi tiếng của anh đã viết:“Một người yêu nước mình”.

- Các nhà thơ (nhà văn) hôm nay rất ít người viết về chiến tranh. Theo ông, có phải vì đề tài này chỉ dành cho những người thuộc thế hệ “chiến tranh”, và cũng vì đề tài ấy có vẻ không “ăn” khách?

- Không có một đề tài nào là dành riêng cho một thế hệ nhà văn nào cả. Đề tài chiến tranh cũng vậy. Dĩ nhiên, khi đã trực tiếp trải qua chiến tranh thì người ta dễ viết về nó hơn. Nhưng, có nhiều nhà văn lớn trên thế giới không trực tiếp trải qua chiến tranh mà vẫn viết rất hay về đề tài chiến tranh đấy nhé!

Vấn đề là phải có sự nhạy cảm, có tình thương, có “ăng-ten” văn học luôn hướng tới đời sống cộng đồng trên tinh thần sẻ chia, có tài năng để cảm nhận và thể hiện. Và phải sống được với “nỗi đau không của riêng ai” của đồng bào mình. Được như thế thì viết về bất cứ đề tài gì cũng tốt cả, kể cả đề tài chiến tranh và hậu chiến.

Văn học không chỉ là chuyện “ăn” khách, nó còn “ăn” nhiều thứ khác nữa, trong đó có khát vọng tự hoàn thiện của bản thân nhà văn, nhu cầu đổi mới, khai phá những “vùng đất” còn khuất lấp, mịt mù.

- Trong “Trường ca chân đất” ông chọn chín (9) cái “chân”: chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân mây, chân sóng, chân lũy, chân cò, chân tháp. Ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc về sự lựa chọn này?

- Nói đúng ra, thì “9 cái chân” ấy… nó chọn tôi, chứ không phải tôi chọn nó. Vì nó có trước tôi hàng vạn năm. Nó là đất nước. Nó là nhân dân. Nó là người nông dân Việt Nam mà tôi vô cùng yêu quý và kính trọng. Nó yếu đuối. Nó mãnh liệt. Nó buồn thảm. Nó quật khởi. Nó chịu đựng. Nó bất khuất. Như Tổ quốc chúng ta vậy.

- Ông nghĩ gì về những giải thưởng được trao tặng cho tập “Trường ca chân đất” vừa qua?

- Tôi vui vì được giải thưởng. Tôi vui hơn vì đây là lần thứ 2 sau 34 năm tôi được nhận giải thưởng của Hội NVVN. Năm 1979, tôi là nhà thơ đầu tiên được nhận giải thưởng của Hội - dành cho tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ”. 34 năm là một quãng thời gian dài, và tôi mừng vì mình còn viết được, và viết không đến nỗi nào.

Nhà thơ Thanh Thảo sinh năm 1946 ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Hiện ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội NVVN. Năm 1979, năm 1995, nhà thơ Thanh Thảo nhận giải thưởng của Hội NVVN. Năm 2001 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề là phải có “ăng-ten” văn học!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.