Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề “hai trong một”

Hoàng Lê| 28/04/2022 06:42

(HNMCT) - Chương trình "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022" diễn ra trong tháng 4 với nhiều hoạt động, mục tiêu là khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống, giới thiệu và quảng bá sách, lan tỏa văn hóa đọc cũng như thúc đẩy sự đọc trong cộng đồng.

Với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”, hoạt động hưởng ứng chương trình “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” năm nay khá phong phú, như cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc", giới thiệu sách trực tuyến, tọa đàm về tác giả - tác phẩm cũng như hướng dẫn kỹ năng đọc sách, triển lãm sách của các nhà xuất bản, tổ chức hoạt động khuyến đọc, trao tặng sách... Nhìn chung, có thể hình dung những vấn đề lớn liên quan tới sách và văn hóa đọc qua các hoạt động nói trên.

Nhưng, lại phải nói rằng cuộc sống quanh ta luôn có những chi tiết mà qua đó, gợi ý và đòi hỏi chúng ta bổ sung chương trình hành động phù hợp. Như với sách và văn hóa đọc trong năm 2022 thì không thể tiếp cận đầy đủ vấn đề nếu không lồng ghép nội dung liên quan trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ đã có bước phát triển không thể tưởng tượng so với trước.

Một ngày đầu tháng 4 vừa qua, người viết chứng kiến câu chuyện của một cặp vợ chồng gần nhà, liên quan tới việc chuẩn bị cho trẻ tiểu học tới trường học trực tiếp, tạm xa những ngày học online. Bằng một cách nào đó, người chồng phát hiện con trai duy nhất của mình, học sinh lớp 4, đã đọc “truyện người lớn” qua điện thoại di động vốn được “cấp” để phục vụ cho việc học trực tuyến. Anh này lần theo lịch sử truy cập của con, ngã ngửa khi biết cậu bé đã đọc loại truyện này qua mạng được gần một tháng...

Đó là câu chuyện có tính đại diện, dứt khoát là nỗi lo chung của rất nhiều gia đình bởi trong giai đoạn giãn cách để phòng dịch Covid-19, hàng triệu gia đình có con phải học online, ngày ngày tiếp xúc với mạng xã hội và những tiện ích từ đó. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện theo sát con, rất nhiều người vì bận công việc nên đành phó mặc sự học, sự đọc của con cho máy tính hoặc điện thoại thông minh. Trẻ trao đổi gì trong những group gồm các bạn cùng lớp, bạn cùng học thêm online, bạn chung sở thích...? Chúng đọc gì khi kết thúc giờ học và ở nhà một mình, lại sẵn tính tò mò không giới hạn?

Từ câu chuyện này, quay trở lại với sự đọc “thời 4.0”, khi nhìn nhận tiện ích từ internet gắn với công tác khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc, rõ ràng vấn đề không chỉ có lợi ích, khả năng cung cấp dạng thức giải trí lành mạnh, mà còn có mối nguy không thể lường trước về mức độ. Và cũng bởi vậy, khi tuyên truyền, quảng bá cũng như tìm giải pháp thúc đẩy việc đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc, hướng dẫn kỹ năng đọc và lựa chọn sách thì yếu tố sách điện tử phải được đề cập với vị thế quan trọng không kém gì so với sách giấy. Nói cách khác, sách và sự đọc giờ đây là vấn đề hai trong một, bao gồm sách giấy và sách điện tử, cách đọc truyền thống và đọc qua mạng. Cả hai cùng cần sự quan tâm đầy đủ, không thể nặng - nhẹ khác nhau.

Có một cách nhìn nhận phổ biến hiện nay khi bàn về giải pháp thực hiện những vấn đề lớn lao trong cuộc sống, đó là “cần có sự chung tay của các cấp, ngành và cộng đồng”. Với sách và văn hóa đọc, việc đọc gì, đọc như thế nào là vấn đề mang tính cốt lõi. Đó là vấn đề lớn, quan trọng bởi liên quan tới dân trí, khả năng tiếp nhận tri thức và sự phát triển toàn diện của con người, nên cũng cần sự đồng lòng vào cuộc thực chất của các phía có liên quan như ngành Giáo dục, Văn hóa..., đặc biệt là nhà trường và gia đình. Cách vào cuộc thực chất trong bối cảnh hiện nay là dành thêm sự quan tâm cho sự đọc qua mạng, đặc biệt là ảnh hưởng từ việc đó đối với giới trẻ. Có thể bắt đầu từ việc thực hiện một chương trình nghiên cứu tổng thể về vấn đề này, dựa trên kết quả thu được mà đề ra giải pháp nhằm hạn chế hệ lụy, tận dụng có hiệu quả mối lợi từ internet đối với sự đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề “hai trong một”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.