Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề đầu tiên vẫn là phòng ngừa

Hoàng Thu Vân| 20/11/2013 05:40

(HNM) - Vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán bar Fuse thuộc khu "hợp tác xã" Zone (số 9 Trần Thánh Tông - Hà Nội) vào chiều 19-11 dù số tài sản thiệt hại hiện tại chưa thể thống kê, song đã có ít nhất là 6 người thiệt mạng.

Đây không phải lần đầu tiên "bà hỏa" hỏi thăm một địa điểm như thế ở Hà Nội nói riêng cũng như toàn quốc nói chung. Và từ trước tới thời điểm hiện tại cũng đã từng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người và tài sản. Nhìn rộng ra các nước trong khu vực và thế giới cũng đã có không ít bài học đau lòng về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Liệu đây đã là vụ việc cuối cùng mà giặc lửa gây ra? Chắc chắn không ai dám khẳng định điều đó. Tuy nhiên có những vấn đề vẫn phải bàn luận và nhìn nhận để hạn chế tới mức thấp nhất sự hoành hành của giặc lửa.

Thông thường, mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, người ta thường quan tâm đến những chuyện như bao nhiêu lâu sau khi có thông tin thì lực lượng chức năng có mặt?

Công tác chữa cháy đã được triển khai như thế nào? Phương tiện của lực lượng chức năng ra sao, có đáp ứng được yêu cầu về mặt nghiệp vụ? Và còn rất nhiều câu hỏi khác. Đúng là những chuyện đó rất cần thiết song dường như cái gốc của vấn đề chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Đã có thời gian người ta sôi nổi bàn tán việc có hay không những chiếc xe chữa cháy được nhập khẩu trị giá cả triệu đô la. Rồi bây giờ lực lượng chức năng chỉ có thể ứng cứu các đám cháy ở khoảng tầm cao 70-80m, hay chuyện cần mua thêm trực thăng chuyên dụng phục vụ cho công tác này… Chung quy là rất cần đầu tư phương tiện kỹ thuật, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy hiện đại, đủ khả năng đáp ứng với tình hình hiện nay. Vẫn biết điều đó hoàn toàn chuẩn xác, nhưng vấn đề đầu tiên là… "tiền đâu" để thực hiện trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách phải tính toán chi li, dè sẻn. Và cuối cùng, như các cụ xưa đã nói "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", khi chưa đủ điều kiện để đề cập chuyện "đầu tiên", việc phòng cháy chữa cháy kém hiệu quả cũng là dễ hiểu?

Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Cốt lõi của vấn đề là công tác phòng cháy hiện nay chưa được quan tâm đúng mức dù nơi này, nơi kia vẫn được triển khai; tương tự, chuyện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất an toàn phòng cháy chữa cháy vẫn như "đến hẹn lại lên"; công trình A, dự án B muốn có đủ điều kiện để thực hiện hay thậm chí việc được cấp giấy phép kinh doanh cũng phải có thẩm định an toàn phòng cháy chữa cháy… Về lý thuyết trên giấy tờ và các thủ tục pháp lý ràng buộc, công tác đề phòng giặc lửa của chúng ta là rất chặt chẽ. Tiếc rằng tới thực tế thì vẫn còn khoảng cách. Nói vậy là có căn nguyên, ví như chuyện hàn điện tạo nguồn lửa xảy ra cháy, điều đó đâu phải tới vụ việc hỏa hoạn tại khu "hợp tác xã" Zone chiều 19-11 mới biết thế là nguy hiểm? Hay đề cập tới một khía cạnh khác là việc chữa cháy tại chỗ khi tình huống xấu xảy ra. Hằng năm chuyện này tốn không ít tiền của cho việc đào tạo, phổ biến kiến thức, luyện tập thực hành các phương án chữa cháy. Nhưng thẳng thắn mà nói, hiệu quả thu được chưa như mong muốn. Ý thức của toàn xã hội lẫn sự thuần thục trong đối phó với hỏa hoạn còn rất hạn chế.

Vâng! Đây là những gờn gợn rất đáng suy nghĩ và xin lưu ý rằng, đó không phải là chuyện… "đầu tiên" để viện dẫn những khó khăn. Khi những việc đó chưa được triển khai tốt thì cái gốc của vấn đề là công tác phòng ngừa. Một khi công tác phòng ngừa bị buông lỏng hay còn quá nhiều kẽ hở thì giặc lửa vẫn có thể hoành hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề đầu tiên vẫn là phòng ngừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.