(HNM) - 2014 là năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và cả nước, góp phần mang đến cho nhân dân đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú. Tuy nhiên, nhiều công việc, nhiều mục tiêu của ngành văn hóa chưa thể hoàn thành trong năm 2014 được chuyển tiếp sang năm
Những việc làm đột phá
So với những năm trước, những vụ việc sai phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích ít hơn hẳn. Tương lai của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn khi Nghị định 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú ra đời và có hiệu lực từ ngày 7-8-2014; các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thiện danh sách đề nghị Bộ VH-TT&DL xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất. Đáng nói hơn, danh sách di sản thế giới ở Việt Nam ngày một dày hơn khi danh thắng Tràng An (Ninh Bình) trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh; dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xướng tên ở danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nhiều hồ sơ di sản khác (bài Chòi, nghi lễ Chầu văn, hát then - đàn tính…) đang được các địa phương nghiên cứu, xây dựng. Việc loại bỏ yếu tố văn hóa ngoại lai, không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt xuất hiện trong di tích (sư tử đá, đèn lồng, chữ viết lạ…) do Bộ VH-TT&DL phát động nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của dư luận. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với việc xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Quang Xuân |
Tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về văn hóa, Hà Nội đã có những việc làm đột phá trong năm 2014. Sau hơn 2 năm xây dựng, dự thảo "Tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội" do Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với khoa Quốc tế (Đại học quốc gia Hà Nội) thực hiện đã hoàn thiện và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Nhiều mô hình văn hóa hình thành và phát triển tại các địa phương, điển hình như: Mô hình "Phường văn hóa" ở quận Tây Hồ; mô hình kinh doanh văn minh ở quận Hoàn Kiếm; mô hình đưa người qua đời đi hỏa táng quận Đống Đa, Ba Đình, huyện Đông Anh; cưới theo nếp sống văn minh ở quận Hà Đông, Hoàng Mai, huyện Đan Phượng, thị xã Sơn Tây… Bên cạnh đó, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông; tiến hành chỉnh trang bộ mặt đô thị. Năm 2014, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng các tuyến đường điểm về văn minh đô thị; huy động nhân dân các thôn, làng, tổ dân phố tham gia tổng vệ sinh khu vực công cộng vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; duy trì việc bóc, xóa quảng cáo rao vặt, biển hiệu không đúng quy định... Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành trên diện rộng đã thống kê được gần 900 di sản cần được khôi phục, bảo tồn; nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng như đình Cam Thịnh, xã Đường Lâm (Sơn Tây), di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã (Sóc Sơn), pháo đài Xuân Canh (Đông Anh), Nhà lưu niệm Bác Hồ xã Cần Kiệm (Thạch Thất)… được tu bổ khang trang trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Giới nghiên cứu văn hóa đánh giá, nhiều việc làm của ngành văn hóa Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung trong năm 2014 mang tính đột phá so với những năm trước; từng bước tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân, tạo thành sức mạnh mềm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cần những cách làm mới
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được, nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều phần việc của ngành văn hóa chưa thể "về đích" trong năm 2014, phải tiếp tục thực hiện trong năm 2015. Chẳng hạn như vấn đề di dời hiện vật không phù hợp ra khỏi di tích mà theo kế hoạch, các địa phương trên địa bàn cả nước sẽ cơ bản dọn dẹp xong trước mùa lễ hội 2015, nhưng đến thời điểm này, lượng hiện vật lạ (chủ yếu là sư tử đá kiểu Trung Quốc) được đưa ra khỏi di tích mới chiếm một phần nhỏ, còn những hiện vật thờ tự không phù hợp khác hầu như vẫn "án binh bất động". Sau khi di dời, giải pháp đưa số hiện vật không phù hợp này đi đâu, xử lý thế nào cho hợp tình, hợp lý, tránh lãng phí cũng chưa được Bộ VH-TT&DL đưa ra. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương còn thờ ơ với một chủ trương đúng đắn.
Đối với việc quản lý hoạt động quảng cáo, Bộ VH-TT&DL đã có Luật Quảng cáo để điều chỉnh nhưng nhiều nội dung trong đó rất khó triển khai trong thực tế. Ví dụ, biển quảng cáo có diện tích bề mặt từ 20m2 trở lên, theo luật bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng, nhưng việc cấp phép đối với biển quảng cáo có diện tích lớn hơn 20m2 lại chưa được các ngành chức năng triển khai. Mặt khác, quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với biển hiệu lắp dựng trên công trình, nhà ở theo nội dung Luật Quảng cáo còn chung chung khiến cho các địa phương rất khó vận dụng.
Ở Hà Nội, những phát hiện khảo cổ học tại di tích Cổ Loa (Đông Anh) và Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong năm 2014 đã gây bất ngờ đối với giới nghiên cứu và công chúng. Qua những hiện vật được phát hiện, những lớp văn hóa chồng xếp lên nhau, các nhà khoa học phần nào giải mã được sự phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam, của kinh đô Thăng Long suốt nhiều thế kỷ, song vấn đề bảo tồn di tích khảo cổ như thế nào để có thể đưa di tích đến gần với công chúng mà không làm tổn hại đến di tích vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ngoài ra, giải pháp nào để tình trạng quảng cáo rao vặt không tái phát, biển hiệu không che lấp phố phường, di tích không bị xâm hại; kho tàng di sản phi vật thể được khôi phục, bảo tồn… cũng là vấn đề khiến những người làm công tác quản lý văn hóa ở Thủ đô phải đau đầu.
Những bất cập kể trên của ngành văn hóa Hà Nội cũng như cả nước rõ là không mới, song nó không thể được giải quyết triệt để nếu các cơ quan quản lý văn hóa không có cách làm mới, hướng đi mới trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.