Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề cốt lõi: Quy hoạch và quản lý

Đặng Loan| 22/10/2011 06:36

(HNM) - Từ năm 2003, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất việc bố trí học lệch giờ, làm việc lệch ca. Năm 2008, các trường học đã thực hiện biện pháp này nhưng tình trạng ùn tắc vẫn không giảm.


Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm tình trạng kẹt xe.     Ảnh: Thùy Linh

Có chuyển biến nhưng chưa hiệu quả

Theo thống kê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giờ cao điểm ùn tắc giao thông diễn ra buổi sáng từ 6h30 - 8h và buổi chiều 16h30 - 18h. Vào thời gian này, đối tượng tham gia giao thông chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên chức và người lao động tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp làm theo ca hành chính. Chính vì vậy, từ năm 2003 một đề án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học nhằm giảm kẹt xe đã được trình lên HĐND TP. Tuy nhiên, đề án không được HĐND thông qua vì lo rằng sẽ gây xáo trộn không nhỏ đến cuộc sống người dân. Năm 2007, khi cơ quan chức năng tiếp tục đề xuất phương án này, HĐND TP đã ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm ở các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) và một số trường học.

Tuy nhiên, các KCX-KCN không hưởng ứng việc làm lệch giờ vì cho rằng đã phân bố lao động, bố trí giờ làm hợp lý, tổ chức sản xuất theo ca,… nên giờ giấc đi làm không ảnh hưởng đến giờ lưu thông cao điểm. Về phía trường học, cuối năm 2008 Sở GD-ĐT đã triển khai lệch giờ cho hầu hết các điểm trường từ 15 - 60 phút giữa các cấp. Theo đó, giờ vào lớp của bậc trung học phổ thông là 6h45, trung học cơ sở là 7h, bậc tiểu học 7h30 và mầm non là 8h. Giờ ra về buổi chiều giữa các cấp chênh lệch từ 30 phút đến 90 phút. Trong cùng một trường, các khối lớp cũng có giờ vào lớp và giờ tan học lệch nhau. Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT), khi học lệch ca, tình trạng kẹt xe ở các cổng trường giảm đáng kể, nếu có ùn ứ cũng chỉ thời gian ngắn, không kẹt xe kéo dài như trước.

Tuy nhiên, tính chung trên địa bàn, tình trạng kẹt xe vẫn không giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP cho thấy, nếu năm 2007 có 27 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút thì năm 2008 có 48 vụ, năm 2009 con số này tăng lên đến 74 vụ, năm 2010 có 54 vụ (so với năm 2009 có giảm, nhưng so với năm 2007 thì tăng đến gấp 2). Riêng năm 2011, chỉ 6 tháng đầu năm 2011 đã có đến 30 vụ kẹt xe trên 30 phút. Ngoài ra, các vụ ùn ứ cục bộ thời gian ngắn hơn vẫn thường xuyên xảy ra trên diện rộng, không những xảy ra trong các giờ cao điểm mà còn ùn tắc bất cứ lúc nào, thậm chí diễn ra trên diện rộng cả nội lẫn ngoại thành.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Giải pháp bố trí lệch giờ học, giờ làm do Bộ GTVT đề xuất khiến người dân TP băn khoăn. Nhiều người lo lắng không biết sắp xếp thời gian đi làm, đưa đón con đi học như thế nào khi giờ học, giờ làm bị lệch. Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP cho biết, đề án trên được đưa ra khi ông còn công tác tại HĐND TP. Ông lo ngại giải pháp này không giảm được kẹt xe mà còn làm đảo lộn cuộc sống người dân. Theo ông Đặng Văn Khoa, nếu áp dụng lệch thời gian chỉ vài chục phút thì sẽ không có tác dụng giảm kẹt xe, còn nếu áp dụng biên độ lớn thì sẽ xáo trộn đời sống hàng triệu người dân. Bên cạnh đó, nếu bố trí không hợp lý thì còn làm tăng ùn tắc giao thông vì người dân phải chạy lòng vòng ngoài đường nhiều hơn, khi đó thì có thể sẽ không ùn tắc vào giờ cao điểm mà là ở… mọi thời gian.

Cho rằng giảm ùn tắc giao thông cần phải được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là giải được bài toán quản lý và quy hoạch giao thông. Ở TP Hồ Chí Minh, việc phát triển đô thị vẫn còn mất cân đối lớn giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. TP đã có gần 10 triệu dân với hơn 4,9 triệu phương tiện nhưng chỉ có hơn 3.600 con đường trong đó các tuyến đường có bề rộng nhỏ hơn 7m chiếm đến 69,3%; mật độ giao thông so với diện tích TP chỉ mới đạt khoảng 1,8km/km2.

Theo Quy hoạch giao thông TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 sẽ xây dựng 7 đường cao tốc liên vùng, 4 đường vành đai với tổng chiều dài 356km, 2 trục đường xuyên Bắc-Nam và Đông-Tây, xây dựng mới 29 cầu; phát triển hệ thống bến bãi, mạng lưới giao thông thủy, hệ thống cảng sông, cảng biển, phát triển 6 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến xe điện mặt đất… Cùng với đó, bốn khu đô thị vệ tinh ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc được quy hoạch là một trong những giải pháp lý tưởng cho việc giảm tải khu vực nội thành. Tuy nhiên, đến nay hầu hết những khu đô thị này vẫn chưa có hình hài. Trong khi đó, ở khu vực trung tâm, những tòa nhà cao tầng vẫn đua nhau mọc lên; tiến độ di dời các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển, bến xe khách liên tỉnh ra khỏi nội thành chậm chạp; các bệnh viện, trường học lớn chưa mở rộng ra bên ngoài mà vẫn tập trung ở khu vực trung tâm càng tăng sức ép cho hạ tầng giao thông TP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề cốt lõi: Quy hoạch và quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.