Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn đầy mới mẻ

Thi Thi| 15/09/2013 06:36

(HNM) -



Từ năm 2005, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã lên tiếng về tác phẩm này "Sách Khải huyền" từ xa xưa có ý nghĩa là những lời động viên kêu gọi hơn là đe nẹt, cảnh báo. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi thông điệp của cuốn tiểu thuyết về một thực trạng tha hóa đầy lo ngại trong đời sống hiện nay. Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan để một lần nữa nhìn lại tác phẩm này trong bối cảnh hôm nay.

- Tái bản một cuốn sách, đương nhiên NXB phải có lý do. Còn với tư cách là người viết phê bình về tác phẩm này cách đây 8 năm, theo anh, lý do có sự trở lại của cuốn tiểu thuyết này là gì?

- Với “Khải huyền muộn”, tôi nghĩ việc tái bản như vậy cũng khá muộn. Theo tôi, lý do dễ hiểu nhất là ở sức hấp dẫn của cái tên tác giả Nguyễn Việt Hà với bạn đọc. Văn chương của anh cho người đọc một chứng từ cụ thể và cập nhật về chuyện thế nào là văn chương. Phong cách Nguyễn Việt Hà nhắc nhở các bạn viết tránh lặp lại mình và phải tìm ra lối mà đưa giọng điệu thực đích là mình vào những gì mình viết. Và, còn một lý do khác, Nguyễn Việt Hà mất khoảng năm năm từ “Cơ hội của Chúa” đến “Khải huyền muộn”, cho nên văn của cuốn này đầy dấu vết nghĩ ngợi. Theo tôi, một nhà văn là một Người - tư - duy. Anh ta đóng góp bằng suy nghĩ. Nhân vật “nhà văn” trong tác phẩm này đầy những suy nghĩ day dứt, và anh ta đành bỏ dở “cuốn tiểu thuyết” khi nhân vật “cô người mẫu” không chấp nhận cho “nhà văn” dùng hình ảnh nhân cách của cô ta vào nhân vật “người mẫu Cẩm My” nữa. Tình tiết này, theo tôi, đến bây giờ vẫn mới mẻ.

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan.


- Đó cũng là cái lạ về cấu trúc tác phẩm khi cuốn tiểu thuyết này kể song song hai câu chuyện: một về các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết và một về chính người viết tiểu thuyết cũng như nguyên mẫu nhân vật và hành trình của tác phẩm này. Anh từng nhận định: Với “Khải huyền muộn”, có lẽ lần đầu tiên trong văn chương nước nhà xuất hiện một cuốn tiểu thuyết về chính nó…”. Vậy sau 10 năm nhìn lại, điều này có còn mới mẻ?

- Nhà văn Nguyễn Việt Hà hay nhắc một câu anh bảo của Milan Kundera, rằng một cuốn tiểu thuyết không có gì mới là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức. Người viết mà văn chương độc đáo cũng hay có lối bình luận cực đoan như vậy. “Khải huyền muộn” căn bản là một tiểu thuyết về “một cuốn tiểu thuyết”, nhưng đấy là cách thức hơn là mục tiêu hay mục đích của tác phẩm này, và cách thức đó không thể gọi là mới nếu ta nghĩ đến ẩn dụ cổ xưa về ngọn nến với một trăm tấm gương. Nhưng nó mới, là vì nó phát lộ tình thế không thể hoàn tất của “cuốn tiểu thuyết” đầy lưỡng lự ăn năn đó. Tình thế này hàm chứa ý tưởng chủ yếu của cuốn sách, cái ý tưởng chứa đựng trong chữ “muộn”. Như vậy, một hình thức kể mới mẻ tất nhiên rất quan trọng, song hình thức nào thì cũng chỉ hiệu quả khi xuất phát từ một ý tưởng cốt lõi độc đáo, có thực chất, và được thể hiện bằng thứ văn chương độc đáo tương xứng. Nhìn từ góc độ ấy thì “Khải huyền muộn” vẫn đi trên lối độc đạo của nó vậy.

- Có cảm giác rằng, đôi khi đối với những tác phẩm có những thử nghiệm mới, bạn đọc sẽ lúng túng thậm chí không hiểu hết được các tầng ý nghĩa sau văn bản khi thiếu vắng ngòi bút tỉnh táo của nhà phê bình? Theo anh, có cần thiết in kèm ở những tác phẩm này những bài viết phê bình đúng nghĩa chứ không phải là giới thiệu sách chung chung?

- Theo tôi thì không nên. Một cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết, đều là những công trình phức hợp độc lập. Việc phê bình diễn giải về cuốn sách chỉ diễn ra sau đó. Ta không nên phá vỡ trật tự không - thời gian của việc đọc. Ngay cả một lời giới thiệu tiết lộ nội dung và thông tin bên ngoài về cuốn sách, về tác giả, cũng là không thật cần thiết. Văn chương cần được mở ra lạ lẫm và gấp lại với những câu hỏi mật thiết, thậm chí là riêng tư với từng người đọc cụ thể. Việc in kèm vào sách các loại chú dẫn diễn giải thường được dành cho người đọc vì mục đích nghiên cứu. Để thưởng thức người ta cần tự do.

- “Khải huyền muộn” có rất nhiều tuyên ngôn về nghề văn và nhà văn. Tôi lại nhớ đến Chế Lan Viên với lời dặn dò cho con gái: đại ý, phải phấn đấu để trở thành nhà văn, còn nếu không được thì ít nhất cũng phải là nhà văn hóa. Anh có nghĩ, có thông điệp về một “nhà văn - nhà văn hóa” ẩn sâu trong các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà không?

- Tôi không thấy có quy luật gì trong việc một nhà văn vào lúc nào đó sẽ nói về nghề viết văn và về kiểu người gọi là “nhà văn”. Một người tự thấy mình là “nhà văn” thì sẽ tự thấy mình có rất nhiều điều phải cân nhắc, mà chủ yếu và căn bản là sự cân nhắc về những hình ảnh của nhân cách, tức là các nhân vật mà anh ta lấy từ cuộc đời vào văn chương của mình thông qua trải nghiệm sống. Đấy là một ý tứ trong tiểu thuyết này. Và vì là câu chuyện một nhà văn viết tiểu thuyết, nên nó có nhiều câu châm ngôn về nghề và việc làm nghề văn. Còn lời dặn dò của Chế Lan Viên là một lời khuyên rất đặc thù. Chúng ta đều đã biết ông có người con sớm phát lộ năng khiếu thơ văn, mà xưa nay “Hiểu con không ai bằng cha”. Tôi nghĩ ý tứ của lời khuyên đó là hãy nhìn vào tấm gương của chính ông: nhà văn phải có vốn hiểu biết, sự nhạy bén tri thức và tư duy kiểu “nhà bác học”.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn đầy mới mẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.