(HNM) - TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến tháng 9-2012, cơ sở y tế nào không đạt chuẩn sẽ tạm đình chỉ hoạt động và đến tháng 12 sẽ cơ bản hoàn thành việc lắp đặt hệ thống xử lý chất thải.
Dân cư khu vực đường Trần Quốc Toản, phường 8 (quận 3) rất bức xúc trước tình trạng mỗi ngày, hàng trăm mét khối nước thải không được lắng lọc, diệt khuẩn của BV Giao thông vận tải xả thẳng ra hệ thống thoát nước. Ông Nguyễn Văn Tân than vãn: "Đã nhiều năm, biết nước thải từ BV rất độc hại cho sức khỏe, nhưng chúng tôi vẫn phải "sống chung" chứ biết làm sao bây giờ?". Đáng nói là BV này lại ở trung tâm TP, nơi mật độ dân cư cao, lượng bệnh nhân khám chữa bệnh lớn, nên tình trạng ô nhiễm càng phức tạp. Theo lý giải của lãnh đạo BV, cơ sở vật chất thực chất là nhà ở của người dân từ năm 1976 nên BV không có hệ thống xử lý nước thải, việc xây dựng, nâng cấp BV cũng đang gặp khó khăn vì kinh phí chưa có.
Chất thải y tế chưa qua xử lý xả ra kênh rạch gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tương tự, hàng loạt BV khác ở TP như BV Thống Nhất, BV Điều dưỡng và phục hồi chức năng Bưu điện 2, Viện Pasteur, 2 cơ sở của BV Công an TP, BV 30-4, BV Bưu điện 2… cũng xả trực tiếp ra môi trường hàng nghìn mét khối nước thải nhưng không có hệ thống xử lý hoặc không bảo đảm yêu cầu. Theo Sở Y tế, hiện TP có khoảng 750 cơ sở y tế trung ương, địa phương và tư nhân, trong đó có đến 10/21 BV cấp trung ương chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. Con số này đối với BV cấp TP còn lớn hơn nhiều (22/31 BV); BV cấp quận, huyện là 13/23; đối với BV tư nhân là 18/33… Đáng báo động là 285 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn phần lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải; ngoài ra là 322 trạm y tế phường, xã, thị trấn không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Thời hạn tháng 9-2012 có xử lý triệt để?
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa VIII, ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, UBND TP đã thành lập tổ công tác liên ngành và đang tổng kiểm tra các cơ sở y tế trên toàn địa bàn. "Trong đợt này nếu cơ sở y tế nào chưa thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường thì sẽ bị nhắc nhở. Đến tháng 9-2012, TP sẽ tiến hành kiểm tra lại, nếu cơ sở y tế nào còn vi phạm thì buộc tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, khi nào có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì mới được tiếp tục hoạt động!" - ông Biết nhấn mạnh. Thời hạn đưa ra là vậy, nhưng nhiều ý kiến vẫn tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả khi việc lắp đặt hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế hiện nay gặp nhiều khó khăn, như nằm trong khu dân cư, khuôn viên chật hẹp, thậm chí phải thuê mướn mặt bằng...; hoặc có những cơ sở lượng chất thải ít, nếu đầu tư cả một hệ thống xử lý thì sẽ dùng không hết công suất…
Nước thải y tế luôn là chủ đề nóng bỏng trong nhiều kỳ họp, nhiều kỳ tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP nhưng kết quả xử lý, giải quyết gần như vẫn "giậm chân tại chỗ". HĐND TP cũng đã thông qua nghị quyết yêu cầu 100% cơ sở y tế phải đạt chuẩn về xử lý nước thải hoàn thành trước tháng 12-2012, tuy nhiên đến nay còn rất nhiều khối lượng công việc chưa thực hiện được.
Theo Sở Y tế, hiện hầu hết các BV đang đẩy nhanh tiến độ các dự án lắp đặt, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, trong đó có nhiều BV lớn cam kết đưa vào sử dụng trong tháng 12 như BV Từ Dũ, BV Cấp cứu Trưng Vương, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi Đồng 2, BV Bình Dân, BV Tâm thần, BV Y học cổ truyền, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115… Tương tự, 23 BV tuyến huyện cũng đặt mục tiêu trong tháng 12 và 322 trạm y tế cấp xã cũng đang gấp rút lắp đặt hệ thống xử lý nước thải phù hợp sẽ hoàn thành trong tháng 8.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.