(HNM) - Thời gian qua, đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đã được quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của công việc này chủ yếu vẫn nằm trên những bản đề án và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ứng dụng chưa nhiều
Hiện nay, cả nước đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên xây dựng khu nông nghiệp CNC theo mô hình đa chức năng gắn với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), mô hình trồng nấm, sản xuất rau an toàn, trồng hoa cũng đem lại những kết quả tốt. Nếu phải kể thêm thì còn một số mô hình khác, do DN đầu tư như mô hình sản xuất rau, hoa CNC của Công ty Giống cây trồng Hà Nội, Trung tâm Phát triển nông, lâm nghiệp CNC Hải Phòng với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel… Tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp CNC dường như chỉ có vậy.
Ông Nguyễn Tấn Hinh, Vụ phó Vụ KHCN Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29-1-2010 phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển khu nông nghiệp ứng dụng CNC mới chỉ có khu nông nghiệp CNC 90ha của TP Hồ Chí Minh bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Các địa phương đều đang xây dựng kế hoạch hoặc xin chủ trương của Chính phủ để triển khai như Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên, Nghệ An, Bình Dương, Gia Lai, Hậu Giang. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã thẩm định và công nhận 3 đơn vị là DN nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), Công ty TNHH Agrovina và Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (Nghệ An). Con số này là quá ít so với kỳ vọng. Hiện nay, vẫn chưa có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động có hiệu quả, chủ yếu là do hạn chế về vốn và nhân lực.
Vẫn theo ông Nguyễn Tấn Hinh, việc chỉ có 3 đơn vị được công nhận DN nông nghiệp CNC còn là do việc giới thiệu và hướng dẫn cho các địa phương, DN, tổ chức, cá nhân về đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 chậm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa có kế hoạch cụ thể cũng như chưa đầu tư mạnh cho công tác quy hoạch, xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp ứng dụng CNC.
“Nút thắt” cần tháo gỡ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định: Trước mắt, công việc chính của Bộ vẫn là quy hoạch cũng như có định hướng và làm sáng rõ hơn các chương trình thành phần, tính toán cụ thể hơn về vốn. Đến nay, Viện Quy hoạch phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10-2012. Hiện quy hoạch đang trong quá trình bổ sung và Viện đã làm việc với 23 tỉnh để quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC sát với thực tiễn.
Tuy nhiên, theo Viện Quy hoạch phát triển nông thôn, một số tỉnh muốn làm nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng vướng về tài chính cũng như những chính sách ưu đãi cụ thể về vốn, thuế, quỹ đất chứ không hẳn là chuyện quy hoạch. Ngoài ra, thực tế cho thấy có những cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức có nhu cầu làm nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng gặp khó vì quỹ đất rất ít, do quy định hạn điền của Nhà nước.
Một vấn đề khác cần lưu ý là khu nông nghiệp ứng dụng CNC không thể có sức hấp dẫn như khu công nghiệp, do đó, nếu không có chính sách tốt thì rất khó kêu gọi các nhà đầu tư, DN vào làm. Điều quan trọng nhất vẫn phải là rõ ràng về chính sách, có hướng đi cụ thể vào từng vấn đề để thúc đẩy đề án nông nghiệp ứng dụng CNC đi từ "bàn giấy" xuống đồng ruộng nhanh hơn.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết thêm, nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ không phát triển tràn lan, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có, mà nên căn cứ vào lợi thế riêng của từng địa phương, có gắn với thị trường, như Đà Lạt thì chuyên về hoa, rau; đồng bằng sông Cửu Long chuyên về cá, gạo… Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành quy chế tổ chức và hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng CNC để làm cơ sở cho các địa phương đẩy mạnh xây dựng và thu hút nguồn lực xã hội tham gia xây dựng mô hình này.
Rõ ràng để phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới, cần phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà khoa học, DN đầu tư chất xám, công nghệ, vốn… Chính sách phải là bước đi đầu tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.