Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn ý kiến trái chiều

Thống Nhất| 27/01/2014 06:24

(HNM) - Mặc dù có đến 87% ý kiến ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn), song tổng hợp sơ bộ từ Bộ GD-ĐT cho thấy, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về quy định miễn thi và xác định môn tự chọn.



Bộ GD-ĐT cho biết sẽ họp bàn, cân nhắc để công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vào khoảng trung tuần tháng 2, kịp cho HS chuẩn bị tốt nhất trước kỳ thi. Tuy nhiên, sự phản hồi từ các địa phương cho thấy việc quyết định phương án thi ra sao không đơn giản.

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ được công bố vào khoảng giữa tháng 2-2014. Ảnh: Thu Giang


Lo ngại với quy định miễn thi

Hội nghị về GD-ĐT vùng 7 (gồm 5 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) diễn ra vào cuối tuần qua nhận được nhiều ý kiến về quy định mỗi địa phương có 20% HS được miễn thi trong kỳ thi TN THPT như dự thảo của Bộ GD-ĐT. Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất với việc giao tỷ lệ miễn thi 20% số HS lớp 12 cho các trường THPT (hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên) và cho rằng vấn đề cần quan tâm là phải nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm bảo đảm số HS được miễn thi là xứng đáng, thực chất, hạn chế được tiêu cực. Sở GD-ĐT đã xây dựng 2 phương án về việc này. Phương án 1, mỗi trường sẽ được giao tỷ lệ HS miễn thi tương ứng với điều kiện cụ thể (kết quả học tập, rèn luyện của HS, các điều kiện phục vụ dạy học). Phương án 2, giao tỷ lệ miễn thi cho mỗi trường tối đa 20%. Sở GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng xét duyệt từng trường hợp miễn thi theo danh sách đề xuất của các trường và không cào bằng tỷ lệ này giữa các trường. Tỷ lệ 20% là mức chung của thành phố, chứ không phải tỷ lệ của mỗi trường. Vì thế, sẽ có trường có nhiều HS được miễn thi, nhưng cũng có thể có nơi không có HS nào được miễn thi. Ước tính, nếu áp dụng trong năm nay, số HS được miễn thi của Hà Nội là gần 20 nghìn.

Đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ cho rằng, không nên "áp cứng" tỷ lệ này cho các địa phương, mà quy định cụ thể các đối tượng được miễn thi trong quy chế thi để các địa phương áp dụng. Điều này nhằm tạo sự công bằng cho HS ở mọi vùng, miền, những nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn có thể có chế độ miễn thi riêng. Nếu để các Sở GD-ĐT tự xây dựng phương án miễn thi như dự thảo thì sẽ rất khó khăn, bởi thiếu "thước đo" chung. Dư luận sẽ nảy sinh sự so sánh giữa HS được miễn thi ở nơi này với HS được miễn thi ở nơi khác…

Theo ý kiến của Sở GD-ĐT Hải Phòng, không nên quy định tỷ lệ miễn thi vì rất khó kiểm soát việc cho điểm và xếp loại HS tại các địa phương, dễ thổi bùng nỗi nghi ngại về chuyện "chạy" điểm, "chạy" loại học lực…

Băn khoăn với môn tự chọn

Dự kiến giảm số môn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương và dư luận xã hội, nhưng vẫn còn nhiều tranh luận về phương án thi môn tự chọn. Sở GD-ĐT Hà Nội đồng tình với phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) và đề xuất ngoại ngữ là một trong số những môn tự chọn (chứ không phải là môn thi khuyến khích như dự thảo) nhằm khích lệ việc dạy - học ngoại ngữ có chất lượng trong trường phổ thông, tạo tiền đề triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020. Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, với 2 môn tự chọn thì nên để cho địa phương quyết định. Nếu để HS tự chọn thì chắc chắn sẽ làm tăng thêm số buổi tổ chức thi, gây xáo trộn trong việc dạy và học.

Đồng tình với phương án thi 4 môn, song, đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng, ngoài 2 môn bắt buộc thì Bộ GD-ĐT nên lựa chọn ngẫu nhiên 2 trong số các môn còn lại và ra thông báo cụ thể vào cuối tháng 3 hằng năm như hiện nay. Việc để HS tự lựa chọn 2 môn là không nên, vì sẽ khiến công tác tổ chức kỳ thi tại các địa phương thêm phức tạp (từ khâu sắp xếp phòng thi đến sao in đề, tổ chức chấm…), dễ xảy ra sai sót và nhầm lẫn.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đánh giá sự điều chỉnh phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT là điều đáng mừng. Tuy nhiên, phương án 1 (thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn và khuyến khích thi môn ngoại ngữ) dù được Bộ GD-ĐT đánh giá cao nhưng thực chất thì HS vẫn phải thi đến 5 môn. Thông thường, đã là môn khuyến khích thì tâm lý chung ở HS là "tội gì không thi", nếu được điểm tốt thì có thêm điểm, còn không cũng chẳng sao. Vì vậy, PGS Văn Như Cương đề xuất: Ngoài 2 môn bắt buộc thì 2 môn tự chọn nên gồm cả ngoại ngữ. Như vậy thì mới có thể giảm gánh nặng trong khâu tổ chức kỳ thi, HS cũng bớt căng thẳng khi phải học nhiều môn.

Thầy giáo Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Welspring (Hà Nội) cũng cho rằng phương án thi tốt nghiệp 4 môn là hợp lý. Với mục tiêu của môn ngoại ngữ là hình thành kỹ năng giao tiếp thì cách thi hiện nay (chủ yếu là theo hình thức trắc nghiệm) không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nếu để ngoại ngữ là môn khuyến khích thì HS vẫn phải thi đến 5 môn, lại thêm một ngày thi và kéo theo nhiều phần việc khác. Bộ GD-ĐT nên coi ngoại ngữ là môn tự chọn để HS nào có khả năng thì thi.

Trước bất kỳ sự thay đổi nào, việc thấp thỏm, lo lắng là không thể tránh khỏi, dù sự thay đổi đó theo chiều hướng có lợi cho HS. Vì vậy, ý kiến chung của các địa phương cho rằng, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc, quyết định sớm để công bố cho HS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn ý kiến trái chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.