Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn thủ tục quá rườm rà

Phong Thu| 04/09/2012 06:52

(HNM) - Theo kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, đến quý IV-2012, TP sẽ xây dựng, hoàn thiện quy trình giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" đối với các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của hai hay nhiều sở liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng; quản lý đất đai; LĐ-TB&XH; tư pháp và hộ tịch.

Đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng được quy trình, thỏa thuận với các đơn vị cùng cấp và 29 quận, huyện nhằm đưa các thủ tục liên thông sớm được thực hiện trôi chảy. Tuy nhiên, hiện đang có trở ngại ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các TTHC liên thông, nhất là với những thủ tục phải qua nhiều cấp giải quyết. Điển hình như thủ tục cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công; công nhận chế độ liệt sĩ; các thủ tục liên quan đến chất độc hóa học hay thủ tục mai táng phí của cựu chiến binh… thường có hồ sơ hành chính bị chậm trễ lâu ngày, có khi mất đến cả năm mới có kết quả. Nguyên nhân là do những thủ tục này liên quan đến cơ quan TƯ hoặc TP nên cơ quan hành chính cấp dưới tiếp nhận hồ sơ không thể biết ngày nào sẽ xong để hẹn công dân lấy kết quả. Chẳng hạn, với thủ tục cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công, công dân phải chuẩn bị hồ sơ (có xác nhận của phường, xã) đến nộp tại phòng LĐ-TB&XH quận, huyện; phòng LĐ-TB&XH quận, huyện lập danh sách và nộp kèm hồ sơ lên bộ phận "một cửa" của Sở LĐ-TB&XH. Sau 30 ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở LĐ-TB&XH lập danh sách kèm tờ trình gửi lên Bộ LĐ-TB&XH rồi Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp, trình Chính phủ. Theo nhiều cán bộ thực hiện giải quyết thủ tục này, nguyên nhân lâu một phần do các đơn vị thường "ngại" trình từng hồ sơ mà để "gom" từ nửa tháng đến một tháng rồi trình một thể. Bên cạnh đó, có cả những trường hợp thủ tục chậm ở cấp TP, cấp TƯ nên các cơ quan cấp dưới cũng chỉ biết bảo dân… chờ. Quy trình giải quyết như vậy cũng gây trở ngại cho Sở LĐ-TB&XH khi xây dựng quy trình liên thông, bởi sẽ rất khó quy định được thời hạn giải quyết trong bao lâu khi không phải tất cả các trình tự giải quyết đều thuộc thẩm quyền của mình.

Nên chăng, trong cơ chế liên thông cần tránh một thủ tục phải "đi" qua quá nhiều cơ quan cũng như cần quy định thời hạn giải quyết đối với từng đơn vị và có chế tài rõ ràng đối với việc giải quyết chậm muộn để các thủ tục được giải quyết trôi chảy, nhanh chóng hơn cho tổ chức, công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn thủ tục quá rườm rà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.