Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn nhiều kẽ hở

Hương Ly| 04/02/2012 07:32

(HNM) - Hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến hàng tạm nhập tái xuất (TN-TX) mà cơ quan hải quan phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy loại hình kinh doanh này đang bị lợi dụng để thẩm lậu hàng cấm nhập khẩu, hàng không bảo đảm chất lượng vào thị trường Việt Nam.

Để quản lý chặt hoạt động này đòi hỏi các lực lượng chức năng, trong đó có ngành hải quan phải tăng cường giám sát hàng TN-TX trong thời gian lưu lại ở nước ta. Tuy nhiên, quy định cho phép hàng TN-TX được lưu lại tới 180 ngày kèm theo những kẽ hở về pháp lý đã khiến nhiều sai phạm có cơ hội nảy sinh.

Kiểm hóa hàng nhập khẩu tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Hải Ly


Theo Tổng cục Hải quan, nhiều vụ vi phạm có liên quan đến loại hình TN-TX đã được phát hiện trong năm 2011. Tại Cục Hải quan Lạng Sơn, tính riêng trong tháng 11-2011 đã phát hiện 5 vụ vi phạm liên quan đến loại hình kinh doanh này. Cụ thể, đã phát hiện 35.400kg đường trắng và các mặt hàng như sữa, nước ép trái cây, bào ngư… được vùi lấp dưới các bao bột khoai tây, mì ăn liền. Trong khi đó, theo nội dung khai báo hải quan của DN, đây là lô hàng bột làm bánh chiết xuất từ khoai tây dưới loại hình TN-TX. Cũng trong năm 2011, Cục Hải quan Hải Phòng, phát hiện, bắt giữ 2.900kg ngà voi nhập lậu; 8.726kg tê tê và vảy tê tê đông lạnh… Tất cả những lô hàng vi phạm đều là hàng TN-TX với nội dung khai báo trái với thực tế.

Ngoài việc lợi dụng chính sách TN-TX để đưa hàng lậu vào nội địa, một mối nguy hại khác là các mặt hàng độc hại, không bảo đảm chất lượng cũng có thể bị thẩm lậu vào Việt Nam bằng hình thức này. Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), lượng hàng hóa nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu diễn ra trong nhiều năm qua và diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, các quy định liên quan đến việc quản lý lại chưa đồng bộ nên cơ quan hải quan rất khó trong việc xử lý những lô hàng cấm, rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử, việc xử lý phế liệu, rác thải nhập khẩu có hai hướng giải quyết là phải tái xuất hoặc tiêu hủy. Việc tiêu hủy đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn. Còn tái xuất theo đúng quy định, nhiều trường hợp không thể thực hiện được, bởi các DN thực hiện TN-TX vào Việt Nam rồi tuyên bố phá sản hoặc từ chối nhận hàng để trốn tránh trách nhiệm. Trên thực tế, loại hình kinh doanh TN-TX không mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia, thậm chí còn tạo thêm áp lực cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Một cán bộ hải quan cho biết, trung bình một container trung chuyển qua cảng Hải Phòng để tái xuất qua Trung Quốc, DN được thu phí dịch vụ 20-25 triệu đồng, mặt hàng đông lạnh, phí có thể cao hơn. Tuy nhiên, khi trừ chi phí vận tải, bốc dỡ và các loại thuế, phí liên quan, lợi nhuận của DN không lớn. Với địa phương, nguồn thu cũng không đáng kể, trong khi đó nếu hàng hóa phải tiêu hủy sẽ rất tốn kém kinh phí. Mặt khác, việc vận chuyển hàng TN-TX chủ yếu là bằng container có tải trọng cao, trong khi hạ tầng giao thông, cảng biển của ta còn hạn chế dẫn đến tình trạng hỏng đường, ách tắc hàng hóa tại các điểm làm thủ tục hải quan.

Cán bộ Cục Hải quan tỉnh Lào Cai kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Mai Vy

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hiện các văn bản pháp lý quy định về quản lý hoạt động kinh doanh TN-TX đang chồng chéo nhau, DN lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận. Việc TN-TX hiện nay không thực sự diễn ra đúng bản chất là hàng hóa phải giữ nguyên trạng trong suốt thời gian nhập khẩu vào Việt Nam. Trên thực tế, DN đã chia nhỏ các lô hàng để vận chuyển khi tái xuất nên dễ dẫn đến tình trạng hàng cấm bị thẩm lậu vào nội địa và khó kiểm soát. Thêm vào đó, quy định về việc cho phép hàng kinh doanh TN-TX được lưu tại Việt Nam quá dài (tối đa 180 ngày) và với hàng kinh doanh thông thường, DN có thể mang về bảo quản sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho cơ quan hải quan trong việc giám sát, quản lý tính nguyên trạng của lô hàng. Để khắc phục, ngành hải quan đã kiến nghị sửa đổi một số điều tại Nghị định 12/2006/CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Theo đó, không nên cho phép DN kinh doanh TN-TX đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và không cho phép hàng TN-TX được tiêu thụ nội địa. Với những mặt hàng đặc thù, như thuốc lá, rượu, bia, xăng dầu, hàng đông lạnh, cần có quy định cụ thể về kho bãi, điều kiện bảo quản và rút ngắn thời gian lưu lại. Đặc biệt, để bảo đảm tái xuất nguyên trạng, nên quy định cửa khẩu đối với hàng TN-TX để siết chặt quản lý.

Trước những bất cập liên quan đến loại hình TN-TX, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu "không cho phép kinh doanh TN-TX đối với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và TN-TX chuyển khẩu phế liệu, phế thải". Hai mặt hàng rượu và thuốc lá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có nguy cơ thẩm lậu vào nội địa cao; còn hàng phế liệu, phế thải ngoài nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kinh phí tiêu hủy cũng lớn... Việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động TN-TX, đưa hoạt động này vào nền nếp sẽ giúp hạn chế tối đa những sai phạm nảy sinh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn nhiều kẽ hở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.