(HNM) - Hiện nay, hệ thống pháp luật về công tác phòng, chống ma túy được đánh giá là tương đối đầy đủ. Tiếc rằng, nội dung một số quy định còn có điểm “vênh” nhau, không phù hợp với tình hình thực tế, gây khó cho các ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Khó đưa người nghiện đi cai
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, khung pháp lý về phòng, chống ma túy đã tương đối đầy đủ. “Khung pháp lý ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương nỗ lực đấu tranh phòng, chống ma túy; hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy từng bước được nâng lên”, ông Nguyễn Xuân Lập khẳng định.
Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, tuyên truyền cho học sinh về tác hại của ma túy. Ảnh: Phan Đình |
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì một số quy định trong lĩnh vực này đã và đang bộc lộ bất cập. Chẳng hạn, theo Điều 103, Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012), hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có giấy xác định tình trạng nghiện; trong khi đó, đa số người nghiện ma túy không có thái độ hợp tác nên cơ quan chức năng rất khó xác định được tình trạng nghiện của họ để đưa vào hồ sơ.
Đáng nói hơn, quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy thiếu sự thống nhất giữa các bộ luật. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ những người sau cai nghiện bắt buộc được trả về địa phương, trong khi Luật Phòng, chống ma túy yêu cầu phải áp dụng thêm các biện pháp quản lý sau cai từ 1 đến 2 năm. Theo Luật Phòng, chống ma túy, người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc nhóm đối tượng phải cai nghiện bắt buộc, còn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người đi cai nghiện bắt buộc phải đủ 18 tuổi trở lên…
“Trước tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, số người nghiện ma túy ngày càng tăng, sự bất hợp lý này tạo ra điểm nghẽn trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc”, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất (Hà Nội) phản ánh.
Các quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cũng bộc lộ nhiều điểm không phù hợp. “Luật Phòng, chống ma túy quy định: Người nghiện có trách nhiệm tự khai báo và đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Nhưng, sau gần 17 năm Luật Phòng, chống ma túy đi vào cuộc sống (từ năm 2000), số người tự nguyện khai báo và đăng ký với chính quyền để cai nghiện tại cộng đồng vẫn là con số không. Vì thế, quy định này có phần xa rời thực tiễn”, ông Nguyễn Xuân Lập cho hay.
Sớm điều chỉnh những điểm “vênh”
Do nội dung các quy định thiếu sự thống nhất, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy cũng như tổ chức cai nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6-2017, số người được hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chỉ chiếm khoảng 3% số người nghiện có hồ sơ quản lý. Công tác cai nghiện tập trung chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để có khung pháp lý đủ mạnh về phòng, chống ma túy, nhiều ý kiến cho rằng, những điểm “vênh” của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần sớm được điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, đồng thời xây dựng chiến lược dự phòng mang tính tổng thể cho những năm tiếp theo.
Trên thực tế, các biện pháp, mô hình hỗ trợ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thành lập tại 33 tỉnh, thành phố đã thu hút hàng nghìn người nghiện, người sau cai nghiện tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ "Tình thân B93" được thành lập ở nhiều xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều người sau cai nghiện.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, trú tại tổ dân phố 9, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy tâm sự: "Trong thời gian cai nghiện ma túy, tình yêu thương, sự tin tưởng của những người xung quanh đối với người nghiện có tác dụng hơn những liều thuốc cắt cơn. Nếu không có sự bao dung của gia đình, sự cảm thông, hỗ trợ của những người xung quanh và các thành viên Câu lạc bộ Tình thân B93, tôi và nhiều người khác rất khó từ bỏ ma túy để trở thành người có ích”.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đủ mạnh để các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện đạt hiệu quả tích cực.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện, thị xã, gần 70% xã, phường, thị trấn ở nước ta có người nghiện ma túy. Trong tổng số hơn 210 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghiện dưới 35 tuổi chiếm hơn 70%; 8% số người lệ thuộc vào ma túy đang ở tuổi vị thành niên... Hiện số người nghiện tạm thời từ bỏ được ma túy mới đạt khoảng hơn 1%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.