(HNM) - Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc ngày 25-4 với nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống B.Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, TPP cũng là một trọng tâm quan trọng. Tuy nhiên, cả Washington và Tokyo vẫn chưa thống nhất được quan điểm về mức thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản. Phát biểu với báo giới sau hai ngày thảo luận với phái đoàn của Chính phủ Mỹ tại Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết: "Chưa thể có một thỏa thuận cơ bản vào lúc này dù về tổng thể, khoảng cách đang được thu hẹp".
Washington - Tokyo vẫn chưa thống nhất được quan điểm về mức thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản. |
Là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ đã diễn ra gần như liên tục từ tháng 2 đến nay. Nhưng mâu thuẫn chưa thể vượt qua giữa hai thành viên này là việc xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu và tiếp cận thị trường. Cụ thể, Mỹ dù đồng ý cho Nhật Bản không phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với 3 loại nông sản chính gồm gạo, lúa mì và đường nhưng lại yêu cầu Tokyo hạ thấp đáng kể thuế nhập khẩu đối với thịt bò và thịt lợn, đồng thời dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm sữa. Đây đều là những mặt hàng mà Nhật Bản cho rằng cần tiếp tục áp dụng hàng rào thuế quan cao như hiện nay để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tokyo cũng không chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về việc dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với xe hơi như các quy định về độ ô nhiễm, độ an toàn. Sự kiên quyết của Nhật Bản cũng xuất phát từ những lý do thực tế. Nếu tham gia TPP, nền nông nghiệp trong nước của Nhật Bản gần như sẽ phải đối mặt với sức ép đến từ các thành viên khác. Bên cạnh đó, bảo hộ nông nghiệp vốn luôn là một vấn đề chính trị nội bộ gây tranh cãi tại đất nước Mặt trời mọc, không chỉ riêng với TPP mà hầu như tất cả các hiệp định mậu dịch tự do trước đó mà Nhật Bản có liên quan.
Bắt đầu quyết định tham gia đàm phán TPP từ ngày 15-3-2013, dù tham gia sau nhưng nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á này được đánh giá sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ cho liên minh thương mại tự do lớn nhất thế giới. Kết quả đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ đóng vai trò rất quan trọng vì đây là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm có Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thế nên, một khi những vấn đề then chốt giữa Nhật Bản và Mỹ chưa được tháo gỡ, thì tiến trình đàm phán TPP nói chung giữa 12 nước để đi đến chặng cuối cùng sẽ tiếp tục chậm lại.
Là một thỏa thuận bao gồm chuỗi các hoạt động trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền…, những lợi ích mà TPP đem lại cho từng quốc gia thành viên nói riêng và cho cả khối kinh tế nói chung là rất to lớn. Do đó, việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sớm đạt được thỏa thuận không những mang tính cốt tử cho TPP, mà còn là trọng tâm trong chính sách mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á của Tổng thống B.Obama. Thủ tướng Nhật Bản S.Abe cũng xem sự hợp tác với đồng minh thân thiết bên kia Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực là một động lực to lớn trong chiến lược tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của nước này. Vì vậy, dù còn cách biệt trong nhiều vấn đề, song dư luận vẫn khá lạc quan vào triển vọng của việc Mỹ - Nhật Bản sẽ sớm có thỏa hiệp để hành trình gắn kết TPP cán đích đúng thời hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.