Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn nghịch lý số lượng - giá thành

Tuệ Diễm| 11/03/2015 06:56

(HNM) - Hơn 40 quốc gia trên thế giới đã ứng dụng chiếu xạ để xử lý và bảo quản rau, quả, thủy sản, phục vụ tiêu dùng. Là một nước xuất khẩu trái cây, việc đáp ứng yêu cầu thị trường là hiển nhiên nhưng doanh nghiệp Việt lại đang khốn khổ vì chiếu xạ vẫn ở thế độc quyền, dẫn tới nhiều thiệt thòi cho người làm ra sản phẩm.

Doanh nghiệp kêu trời vì giá

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt - GĐ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II: Chiếu xạ thực phẩm là sử dụng các tia bức xạ để chiếu vào thực phẩm nhằm diệt vi khuẩn, côn trùng và một số ký sinh trùng. Hiện tại, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã ứng dụng bức xạ để xử lý và bảo quản một số sản phẩm rau, quả, thủy sản, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tại Việt Nam, công nghệ chiếu xạ thực phẩm đã được nghiên cứu và ứng dụng từ năm 1985, do Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện.

Thanh long là mặt hàng trái cây chiếu xạ xuất khẩu chủ lực của nước ta vào Mỹ.



Sau hơn 30 năm phát triển, hiện cả nước có 30 trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ, nhưng chỉ có vài ba trung tâm chiếu xạ thực phẩm với quy mô bán công nghiệp, trong đó có 4 cơ sở chiếu xạ thuộc hai đơn vị là Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú (Bình Dương) và Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Sơn Sơn (TP Hồ Chí Minh) hoạt động. Giá chiếu xạ do các công ty này đưa ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu dao động từ 0,8 đến 1 USD/1kg trái cây. Theo nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, mức giá này quá cao.

Theo các doanh nghiệp, Mỹ mở cửa cho nước ta xuất khẩu 4 mặt hàng trái cây gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và vải thiều với điều kiện bắt buộc là phải qua xử lý chiếu xạ. Từ năm 2014, Công ty Xuất khẩu Hugo đã đưa được 4 container chôm chôm vào Mỹ, nhưng sau 2 chuyến hàng, doanh nghiệp phải tạm dừng. Nguyên nhân là do, để xuất khẩu được chôm chôm vào Mỹ, doanh nghiệp phải xuất khẩu bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển bị đội lên cao, lại gánh thêm chi phí chiếu xạ khiến công ty thua lỗ. Ông Vương Đình Khoát - Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu Hugo cho biết: Để xuất khẩu 1kg chôm chôm đến được đất Mỹ bằng đường hàng không, doanh nghiệp mất tổng chi phí 6,7 - 6,8 USD. Trong đó, riêng chi phí chiếu xạ đã chiếm 0,8 - 1USD.

Ông Phạm Nhật Tú - Tổng Giám đốc Công ty Ánh Dương Sao, chuyên xuất khẩu thanh long, chôm chôm và một số mặt hàng trái cây vào thị trường Mỹ và Châu Âu cũng thừa nhận: Đối với mặt hàng thanh long, hiện nay một số nước đã trồng và xuất khẩu được vào Mỹ, khiến cho Việt Nam mất lợi thế độc quyền. Trong khi, doanh nghiệp Việt Nam phải bán giá thanh long cao vì chi phí xuất khẩu cao.

Các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới xuất khẩu trái cây tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì giá chiếu xạ thực phẩm cao và tăng lên hàng năm. Hiện nay mức phí xấp xỉ 1USD/1kg là cao gấp 4 lần so với Thái Lan, gấp 6 - 8 lần so với Trung Quốc, do đó mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó mà cạnh tranh về giá.

Nhà kinh doanh chiếu xạ nói gì?

Đứng về góc độ nhà kinh doanh chiếu xạ, ông Nguyễn Thế Hồng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Sơn Sơn cho biết, nhà máy chiếu xạ của công ty đã đi vào hoạt động 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ sử dụng hết công suất theo thiết kế ban đầu. Đơn hàng chiếu xạ trái cây xuất khẩu công ty nhận được rất ít, nên phải áp với giá 0,8USD/1kg, nếu hạ thấp nữa thì công ty sẽ thua lỗ. Ông Nguyễn Thành Lập, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú cũng thừa nhận, Nhà máy Chiếu xạ An Phú được thiết kế ban đầu với công suất chiếu xạ 180 tấn/ngày. Trong khi hiện nay số lượng chiếu xạ chỉ mới chiếm 13% công suất nên không thể giảm giá thành chiếu xạ xuống mức thấp hơn.

Dù năm 2014, được coi là kỷ lục xuất khẩu thanh long của nước ta, nhưng tổng sản lượng thanh long chiếu xạ cũng chỉ vượt qua 2.000 tấn. Số lượng này chỉ cần các nhà máy chiếu xạ trong vòng một tháng là xong. Trong khi, mỗi năm các công ty kinh doanh chiếu xạ phải trả lương tương đương 6 tỷ đồng cho kiểm dịch viên của Mỹ giám sát quy trình chiếu xạ đúng theo tiêu chuẩn của quốc gia này thì mới được cấp phép để xuất khẩu.

Từ đó, theo ông Nguyễn Thế Hồng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như giảm thuế cho công ty kinh doanh chiếu xạ, hỗ trợ một phần chi phí cho kiểm dịch viên từ Mỹ thì mới có thể giảm giá thành chiếu xạ, để giúp đỡ doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ để giảm chi phí xuất khẩu, trong đó có chi phí chiếu xạ nhằm kích cầu thị trường. Đây cũng là kinh nghiệm cho việc xuất khẩu các mặt hàng vải thiều, vú sữa, xoài mà nước Mỹ sẽ mở cửa cho chúng ta trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn nghịch lý số lượng - giá thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.