(HNM) - Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt (HHTGNV) 2010 đã khép lại bằng một đêm chung kết đậm chất nghệ thuật tại Vinpearl Land (Nha Trang, Khánh Hòa) cuối tuần qua. Không nhắc đến việc Lưu Thị Diễm Hương (SBD 299) đến từ TP Hồ Chí Minh bất ngờ đăng quang, thì từ đây có thể thấy, việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Các MC dẫn chương trình. Ảnh: Viết Thành |
Hướng tới chuyên nghiệp
So với cuộc thi sắc đẹp khác ở trong nước, HHTGNV 2010 được thực hiện khá bài bản. Ở trong nước, Ban tổ chức (BTC) đã tuyển chọn thí sinh trực tiếp từ vòng sơ loại, ở nước ngoài cũng có vòng thi khu vực chứ không chỉ loại qua hồ sơ. Rồi trước vòng thi bán kết và chung kết, họ thuê các chuyên gia của Elite Vietnam, Carousel (đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Trái đất) huấn luyện kỹ năng trình diễn, ứng xử, trang điểm cho các thí sinh. Theo dõi từ đầu đến cuối thấy rõ các thí sinh tiến bộ, tự tin vượt bậc. Các cô gái trẻ đã biết cách giữ hình ảnh đẹp, thể hiện mình trước công chúng. Ở vòng chung kết, BTC đã mời một ekip trang điểm lên đến 20 người phục vụ thí sinh và không cho sử dụng chuyên gia trang điểm riêng nhằm tạo ra sự công bằng cho các người đẹp.
Điều khiến nhiều người trầm trồ là BTC tỏ ra khá "chịu chơi" khi dành cho Hoa hậu mức thưởng kỷ lục: 500 triệu đồng, sở hữu vĩnh viễn vương miện trị giá 1 tỷ đồng. Không những thế, họ còn tạo "đột phá" trong đêm chung kết bằng việc mời nhóm nhạc Il Divo danh tiếng hàng đầu thế giới biểu diễn tôn vinh các người đẹp. Sự xuất hiện của nhóm nhạc này có thể không làm cho đêm chung kết hấp dẫn hơn (phần biểu diễn của những nghệ sĩ trong nước mới thực sự gắn kết với màn thi diễn của thí sinh) nhưng lại làm sang và nâng tầm cuộc thi lên rất nhiều.
Chiến lược truyền thông của cuộc thi tỏ ra hiệu quả với thông tin "ăm ắp" trên các mặt báo. Hơn nữa, sự tham gia tổ chức của Đài THVN với các chương trình đồng hành và đêm chung kết truyền hình trực tiếp trên kênh phổ thông VTV3 và nước ngoài VTV4 làm khán giả hài lòng. Đâu đó có người tỏ ra khó chịu khi BTC không cho phóng viên tiếp cận thí sinh lúc luyện tập hay trang điểm, nhưng nếu xét thấu đáo thì đó cũng là việc nên làm. Bởi dù muốn hay không, sự xuất hiện của phóng viên cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.
Một chút băn khoăn
Vòng chung kết cuộc thi có 2 sự cố bất ngờ. Ấy là lần đầu tiên có một thí sinh bị tước giải (danh hiệu Người đẹp áo dài của Phạm Thị Thùy Linh) vì vi phạm quy chế của cuộc thi. Rồi giải thưởng Người đẹp được khán giả yêu thích nhất cũng đã phải hủy bỏ vì khán giả và BTC phát hiện dấu hiệu bất thường qua bình chọn trên website và hệ thống tin nhắn. Dù còn những bàn tán xung quanh có phần bất lợi cho BTC và mỗi quyết định đều khó khăn, nhưng để chuyên nghiệp hơn trong tổ chức một cuộc thi sắc đẹp, mọi việc cần theo đúng "luật chơi".
Cuộc thi HHTGNV 2010 đã tổ chức tuyển chọn thí sinh rất gắt gao qua nhiều vòng. Thế nhưng, nhìn một cách tổng quan có thể thấy vẫn có nhiều khoảng cách giữa những người đẹp góp mặt trong vòng chung kết. Kể từ đầu cuộc thi, báo giới vẫn đánh giá các thí sinh từ nước ngoài trở về nổi trội hơn hẳn. Không chỉ có hình thể đẹp, trình độ học vấn cao, họ tỏ ra rất tự tin trong giao tiếp.
Một điều nữa khiến khán giả băn khoăn là những ngôi vị cao của cuộc thi. Màn ứng xử trong đêm chung kết của Nguyễn Ngọc Kiều Khanh và Phạm Thúy Vy Victoria cho thấy rõ sự cố gắng trả lời bằng tiếng Việt (không bắt buộc) của 2 cô gái nhiều năm sống ở nước ngoài rất đáng động viên. Nhưng họ vẫn cứ bất lợi hơn nhiều so với màn "hoạt ngôn" của 3 thí sinh trong nước. Những người đẹp được đánh giá cao hoàn toàn có thể mất ngôi hậu vì ứng xử thiếu thuyết phục, trường hợp của Kiều Khanh trong đêm chung kết là một ví dụ. Nên chăng, cuộc thi HHTGNV dành hoàn toàn cho thí sinh từ nước ngoài trở về, còn những người đẹp trong nước chỉ tham gia Hoa hậu Việt Nam?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.