Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn kẽ hở, lỗi là của ai?

Hoàng Thu Vân| 01/07/2014 06:03

(HNM) - Từ ngày 1-6-2014, quyết định áp giá trần đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực. Và từ ngày 21-6, các cửa hàng, đại lý kinh doanh sữa buộc phải áp dụng giá trần bán lẻ mặt hàng này, cách tính giá trần bán lẻ tới tay người tiêu dùng là giá trần bán buôn đã công bố cộng thêm 15%.

Sở dĩ cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp trên vì trong thời gian qua, giá sữa luôn "nhảy múa" một cách tùy tiện và chịu thiệt bao giờ cũng là người tiêu dùng. Cụ thể, theo tính toán, từ năm 2009 đến năm 2012, sữa bột trẻ em đã trải qua 17 lần tăng giá, với mức tăng trung bình 30%/năm. Một nghiên cứu của Bộ Công thương cũng xác nhận, chi phí quảng cáo và tiếp thị, mức chiết khấu của hãng sữa luôn cao hơn từ 1,5 tới 2 lần mức quy định và đều được tính vào giá thành sản phẩm...

Chính vì lẽ đó, áp trần giá sữa được coi là một biện pháp "mạnh tay" của cơ quan quản lý nhà nước để bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là biện pháp đó có phát huy hiệu quả trong thực tế hay không? Và đây chính là thước đo chuẩn mực nhất về hiệu quả tham mưu, quản lý của cơ quan chức năng bởi thời gian qua đã có không ít chủ trương, cơ chế, chính sách.... được đưa ra chỉ có tác dụng trên lý thuyết.

Với quyết định áp giá trần đối với một số sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay đã được 10 ngày đi vào thực hiện đối với các cửa hàng bán lẻ. Như phản ánh của người tiêu dùng thì hoặc vẫn phải tiếp tục mua các sản phẩm sữa với giá cao, hoặc không thể mua được các sản phẩm nằm trong danh mục áp giá trần mà chỉ mua được những sản phẩm có thành phần tương tự và tất nhiên là có giá cao... Nguyên nhân là do một số hãng sữa đã áp dụng nhiều chiêu thức để "lách" luật. Cụ thể, hiện trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm sữa ghi là dành cho trẻ từ một đến 10 tuổi. Với việc gia tăng độ tuổi cho người sử dụng, các sản phẩm này sẽ không phải áp dụng giá bán buôn, bán lẻ tối đa. Lại có những sản phẩm sữa được điều chỉnh trọng lượng, thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng... nhằm né danh mục bắt buộc phải áp giá trần. Cùng với đó, nhiều sản phẩm được áp giá trần nhưng người tiêu dùng không thể mua được vì... hết hàng nên bắt buộc phải lựa chọn sản phẩm tương đương với giá cao.

Tóm lại là có 1.001 cách thức "lách" luật.

Nhiều người cho rằng, việc người tiêu dùng không mua được sản phẩm sữa với mức giá hợp lý là do lỗi của các doanh nghiệp. Song nhìn nhận một cách công bằng, các doanh nghiệp được quyền thực hiện những cách thức sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định

của pháp luật. Nói cách khác, họ chỉ "lách" được luật khi các chủ trương, cơ chế, chính sách... của chúng ta còn quá nhiều kẽ hở. Cũng chính vì lẽ đó, trong mục "đối thoại chính sách" do Đài Truyền hình Việt Nam vừa thực hiện, vấn đề người tiêu dùng quan tâm là cơ quan chức năng sẽ khắc phục những vấn đề nêu trên như thế nào. Tuy nhiên thật tiếc khi những câu trả lời đều là chung chung, kiểu như người tiêu dùng cần thông thái hoặc cần sự chung tay vào cuộc của cộng đồng... Trong khi đó, mấu chốt là cơ quan chức năng sẽ có giải pháp gì thì chỉ nhận được câu trả lời là sẽ có những quy định cụ thể để xử lý các doanh nghiệp "lách" luật.

Vâng! Cũng có lẽ là cần phải giữ... bí mật về các giải pháp cụ thể trước khi thực hiện. Xét cho cùng, vấn đề người tiêu dùng quan tâm không phải là việc sẽ áp dụng giải pháp, cách thức gì để chống các chiêu trò "lách" luật mà là khả năng thực thi và kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý. Đây chính là trách nhiệm được giao của những người ngồi làm công việc hoạch định chính sách, không thể né tránh hoặc đẩy qua đẩy lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn kẽ hở, lỗi là của ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.